Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Nhật

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo dấu mốc và động lực quan trọng nhằm hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.

Tối 2/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến thăm đã tạo dấu mốc và động lực quan trọng với nhiều cam kết và hành động cụ thể của Chính phủ hai nước nhằm hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến lễ ký các hiệp định vay vốn giữa Chính phủ 2 nước

Thành công lớn và rõ nhất trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Người đứng đầu hai Chính phủ đã ký Tuyên bố chung thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ cùng triển khai hành động hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản với hàng loạt các các Hiệp định quan trọng được ký kết liên quan đến hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm cũng như hợp tác di chuyển thể nhân thông qua tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, vừa tạo công ăn việc làm, vừa nâng cao thu nhập và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng khẳng định quyết tâm thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Một lĩnh vực hết sức quan trọng lần này là 2 bên ký kết nhiều dự án ODA rất lớn, khoảng 1,2 tỷ USD trong năm 2011, cùng những cam kết dự án lớn cho kỳ tới 2012 như đường cao tốc ở Hà Tĩnh, từ Phan Thiết đi Nha Trang, sân bay Long Thành, cảng Lạch Huyện… trong khó khăn Nhật Bản tiếp tục không giảm mà tăng ODA cho Việt Nam”.

Con số 1,2 tỷ USD mới chỉ là đợt đầu tiên triển khai ODA của Nhật Bản cho Việt Nam trong năm tài khóa 2011. Dự kiến số vốn viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong cả năm tài khóa 2011 lên tới trên 2 tỷ USD. Trong bối cảnh đang phải khắc phục hậu quả nặng nề do thảm họa động đất và sóng thần gây ra và phải cắt giảm 10% tổng vốn ODA nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng ODA cho Việt Nam, thể hiện sự coi trọng đặc biệt tới quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Thủ tướng Yoshihiko Noda nhấn mạnh: “Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược. Về kinh tế, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam là quan hệ hỗ trợ cùng nhau. Sự ổn định và phát triển của Việt Nam rất quan trọng với Nhật Bản”.

Trên cơ sở cam kết và ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ hai nước, các tập đoàn lớn của Việt Nam và Nhật Bản đã bắt tay ngay vào khởi động các dự án hợp tác đầu tư. Dự án xây dựng Cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng là một trong 5 dự án mà Chính phủ Nhật Bản cam kết cho vay 272 triệu USD ngay trong chuyến thăm lần này. Đây cũng là dự án triển khai theo mô hình hợp tác công tư mà Chính phủ hai nước đang khuyến khích phát triển. Thành lập công ty thực hiện dự án này theo mô hình hợp tác công tư có 3 tập đoàn lớn của Nhật Bản và Tổng công ty hàng hải Việt Nam tham gia với vai trò nhà đầu tư chi phối.

Ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết: “Trong tháng 11 chúng tôi sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý thành lập công ty cũng như mở văn phòng đại diện tại Hà Nội và trụ sở chính tại Hải Phòng. Vốn đầu tư giai đoạn 1 là xây dựng 2 bến khởi động (bến 1 và bến 2) tổng chiều dài là 750m, dự kiến 330 triệu USD. Đối với cảng Lạch Huyện, sau khi ra đời có thể khẳng định đây là cảng lớn nhất khu vực miền Bắc, giải phóng tàu nhanh và thúc đẩy nền kinh tế của khu vực Đông bắc, đặc biệt là thành phố Hải Phòng”.

Một điểm nhấn trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đó là Chính phủ hai nước quyết tâm nâng kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản lên khoảng 40 tỷ USD vào năm 2020. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay là hoàn toàn khả thi.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng phân tích: “Thứ nhất, kinh tế thương mại Nhật Bản rất lớn, tiềm năng còn rất nhiều. Thứ 2, nền kinh tế của chúng ta cũng rất mở và khả năng thương mại của chúng ta ngày càng tăng. Điều quan trọng là Nhật Bản là nước đầu tiên trong G7 chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nó thể hiện Nhật Bản ghi nhận những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong suốt 20 năm đổi mới vừa qua tiến mạnh theo hướng kinh tế thị trường và có những thay đổi to lớn, ủng hộ những thành tựu đó của chúng ta, nhưng đồng thời khuyến khích hỗ trợ chúng ta hoàn thiện cơ chế thị trường. Việc phát triển kinh tế thị trường mạnh mẽ ở hai bên sẽ tạo thuận lợi cơ bản cho giao lưu và buôn bán. Tôi cho rằng mục tiêu đặt ra về thương mại là rất khả thi”.

Trong tất cả các cuộc tiếp xúc cấp cao, gặp gỡ với các giới Nhật Bản và đến tận nơi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn bày tỏ sẻ chia, sự cảm thông và tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam với nhân dân Nhật Bản trước những mất mát to lớn về người và tài sản do động đất, sóng thần gây ra. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì trong khả năng của mình để chia sẻ phần nào khó khăn với nhân dân Nhật Bản vùng bị thiên tai.

Hoàng gia, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản cảm ơn sâu sắc trước những nghĩa cử tốt đẹp và hành động thiết thực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn là những việc làm nghĩa tình, minh chứng sống động cho mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa nhân dân hai nước. Đây cũng là nền tảng vững chắc góp phần thắt chặt, củng cố và đẩy mạnh hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên