Dạy học là học hai lần
Người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực, mang sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người. Do đó, phải đáp ứng yêu cầu cao về nhân cách.
Mới đây, thứ ngôn ngữ mạt sát mà một giáo viên ở TP HCM sử dụng đối với học sinh của mình đã làm tràn ly nước đầy ứ quá lâu không còn chứa đựng thêm được nữa. Lời nói - ngôn ngữ là biểu hiện tổng hợp nhân cách của người thầy, tác động trực tiếp đến tâm hồn, nhân cách của học sinh. Dạy học tức là học hai lần. Ngành giáo dục và mỗi thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người không thể coi nhẹ việc trui rèn ngôn ngữ, lời nói và kỹ năng sư phạm.
Nghề giáo viên là nghề cao quý tượng trưng cho sự chuẩn mực |
Tình trạng bạo lực học đường, học sinh cứ hơi bất đồng một chút là nói chuyện với nhau bằng chân tay… là hệ quả tất yếu từ môi trường sử dụng những lời nói - ngôn ngữ kiểu mạt sát nhau như vậy. Có người nói, sát thủ máu lạnh trong vụ cướp tiệm vàng gần đây ở Bắc Giang là sản phẩm của giáo dục gia đình. Nhưng nếu như đến lớp, đến trường mà các em vẫn phải tiếp nhận thứ “ngôn ngữ đường chợ” ấy thì không ai dám nói chắc rằng, có thể hạn chế được loại tội phạm làm đau lòng gia đình, cộng đồng và xã hội đến như thế hay không?
Cũng cần nhìn thấy áp lực công việc đối với những người mang trọng trách làm thầy. Sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, đặc điểm tâm sinh lý ở lứa tuổi các em biến đổi phức tạp, rồi có cả sự tác động của xã hội với những quan niệm, lối sống lệch lạc làm nảy sinh mâu thuẫn trong nhận thức của các em…
Thật khó quy lỗi tại ai khi mà cả xã hội chạy theo sự học không thực tế và coi trọng bằng cấp, tình trạng chạy điểm, mua bằng để “chuẩn hoá” sự thăng tiến, thiếu tôn sư trọng đạo... đã và đang làm băng hoại giá trị của sự nghiệp giáo dục. Nhưng cũng chính vì thế mà hơn bao giờ hết, nhà trường phải là nơi khẳng định được vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc tác động vào quá trình xây dựng và hình thành nhân cách của học sinh, lớp chủ nhân tương lai của đất nước. Trước hết cần quan tâm tới lời ăn tiếng nói của các thầy giáo cô giáo với nhau và với học sinh.
Dùng nhân cách giáo dục nhân cách. Nhân cách người thầy, tấm gương đạo đức của người thầy tác động mạnh mẽ tới học trò. Không chỉ là lời ăn tiếng nói, mà còn là những hành vi ứng xử hàng ngày hàng giờ học sinh được chứng kiến. Khó nói hay về sự tôn trọng tập thể khi mà giáo viên trong giờ dạy cứ liên tục nghe điện thoại, hay thầy giáo hút thuốc ở nơi đông người… Tất nhiên, có những lời nói, hành vi phản sư phạm chỉ là sai lầm mang tính nhất thời, nhưng cũng có trường hợp thuộc về bản chất. Trường hợp sai lầm nhất thời thì cần dành cho giáo viên đó cơ hội sửa chữa, theo tinh thần Mác dạy là “những nhà giáo dục cũng cần được giáo dục”.
Dạy học tức là học hai lần. Giáo dục vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Trong thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam ta xếp thầy giáo đứng trên cha mẹ. Còn Bác Hồ nói, thầy giáo tốt là anh hùng vô danh. Được coi trọng như vậy bởi người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực, mang sứ mệnh cao quý là truyền đạo lý cho mọi người. Do đó, người thầy phải đáp ứng yêu cầu cao của xã hội về nhân cách, phải là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo.
Sự nghiệp giáo dục - sự nghiệp trồng người hiện nay của đất nước ta còn đòi hỏi người thầy không ngừng học tập để nâng cao trình độ môn, cập nhật thông tin, thường xuyên trui rèn ngôn ngữ và kỹ năng sư phạm để ứng xử linh hoạt mà không đánh mất chuẩn mực trong mọi tình huống, mọi trường hợp./.