Dạy thêm, học thêm: Mừng hay… lo?
Việc dạy thêm học thêm hiện nay hầu như chỉ mới được nhìn nhận đánh giá lợi, hại trên hai mặt thời gian và tiền bạc, còn chất lượng giáo dục kiến thức, vấn đề cốt lõi của học tập lại chưa có cơ quan chức năng nào khảo sát, đánh giá cụ thể
Phong trào dạy thêm, học thêm hiện nay ở nước ta đang trở thành “cơn sốt” bùng phát mạnh từ thành thị đến vùng quê, từ bậc tiểu học đến trung học. Với đủ loại hình tổ chức khác nhau, theo tổ, theo nhóm, theo lớp, học tại lớp, tại nhà... bất kể sáng, trưa, chiều, tối tùy theo điều kiện sắp xếp thời gian của thầy, cô giáo và thời gian học chính khóa của học sinh từng lớp.
“Thị trường bán chữ” tự phát
Dạy thêm, học thêm trước hết là ý định tốt đẹp, có trách nhiệm của thầy, cô giáo nhằm củng cố, bổ sung thêm kiến thức cho các em, đặc biệt là những em yếu kém, “ngồi nhầm lớp”. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để các thầy, cô giáo có thêm nguồn thu nhập chính đáng, giải quyết bớt khó khăn của đời sống giáo viên hiện nay. Như vậy, dạy thêm, học thêm nhìn từ gốc độ giáo dục đơn thuần là một việc đáng mừng, còn nhìn từ gốc độ kinh tế lại là một điều tất yếu, bởi có cung ắt phải có cầu.
Tuy nhiên, cũng chính từ “phần mềm” thu nhập khấm khá này, mà phong trào dạy thêm, học thêm “trăm hoa đua nở” khắp mọi miền đất nước, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng về giáo dục. Có thể nói, dạy thêm, học thêm đã hình thành nên một “thị trường bán chữ” tự phát rộng lớn, đem lại nguồn thu khổng lồ cho đội ngũ “giáo viên”. Thử làm một phép tính đơn giản: cả nước hiện nay có gần 22 triệu học sinh từ mầm non đến trung học, mỗi em học sinh chỉ cần học thêm một môn, với học phí 50.000 đồng/tháng, thì số tiền thu được gần 1.100 tỷ đồng/tháng. Có lẽ chính nguồn thu hấp dẫn này mà cơn sốt dạy thêm, học thêm nở rộ, với sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt giữa các giáo viên, giữa các môn học để lôi kéo học sinh về phía mình càng đông càng tốt. Thậm chí học thêm được tổ chức hai, ba ca, giáo viên chạy sô toát mồ hôi, cháy giáo án là chuyện bình thường. Không biết, với quĩ thời gian khép kín cả ngày cho dạy thêm, học thêm như thế, các thầy, cô giáo lấy đâu thời gian để tham khảo, nghiên cứu soạn giáo án cho chương trình chính khóa.
Anh bạn tôi dạy toán ở cấp 3 trường huyện “bật mí” cho biết: Nói là dạỵ thêm, nhưng kiến thức mới không nhiều, chủ yếu là “nhai lại” giáo án cũ, nếu cần thời gian thì ra cho các em một đề tập, làm cả ngày không xong, còn mình vi vu đi làm việc khác... Chính vì “chân ngoài dài hơn chân trong”, chương trình chính khóa không được đầu tư thỏa đáng dẫn đến chất lượng học chính khóa giảm sút là điều khó tránh khỏi. Mục tiêu tốt đẹp của việc dạy thêm, học thêm ban đầu mai một dần, nhường chỗ cho sự kinh doanh giáo dục đơn thuần. Hình ảnh thiêng liêng cao quí của người thầy giáo, cô giáo vì thế cũng nhạt nhòa đi rất nhiều trong tâm khảm học sinh.
Quy định “bất thành văn”
Còn các em học sinh thì sao? Chưa kể những thời gian điểm nút, học thêm để thi học kỳ, thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp... mà ngay ngày học bình thường, các buổi học thêm của cô giáo, thầy giáo dạy bộ môn cũng trở nên rất quan trọng, có khi còn quan trọng hơn cả tiết học chính khóa. Bởi chỉ có học thêm mới làm được bài kiểm tra, mới đạt điểm xếp hạng...
Thời gian biểu của các em (đặc biệt là từ cấp 2 trở lên) luôn kín giờ học, ngoài thời gian chính khóa, mỗi tuần còn phải học thêm 3 - 4 buổi, nào toán, lý, hóa, ngoại ngữ, tin học... môn nào cũng không thể bỏ được. Trước đây, ai yếu môn nào thì học thêm môn ấy, nay thì gần như học thêm đại trà không có nhu cầu cũng phải đến học như là qui định bắt buộc bất thành văn. Nhiều em không có thời gian để ôn bài buổi tối, chuẩn bị bài vở cho ngày mai. Không biết với cường độ tiếp thu như thế các em có đủ thời gian để thẩm thấu được kiến thức học thêm hay không?
Bên cạnh đó, không ít em vì hoàn cảnh gia kinh tế khó khăn không kham nổi khoản phí học thêm ái ngại với bạn bè, cô giáo đành bỏ học. Một số không ít thì ngại cường độ học tập căng thẳng bỏ giữa chừng, nhưng vẫn rút tiền học thêm từ bố mẹ để ném vào các quán net, gia đình không hề hay biết. Đứa con gái tôi năm nay học lớp 9, tháng nào cũng lễ phép xin 50.000 đồng nộp tiền học thêm ngoại ngữ, nhưng vừa qua gặp thầy giáo chủ nhiệm đồng thời là giáo viên ngoại ngữ, mới vỡ lẽ, lâu nay cháu không đến học nữa.
Việc dạy thêm học thêm hiện nay hầu như chỉ mới nhìn nhận đánh giá lợi, hại trên hai mặt thời gian và tiền bạc, còn chất lượng giáo dục kiến thức, vấn đề cốt lõi của học tập lại chưa có cơ quan chức năng chuyên ngành nào khảo sát đánh giá cụ thể xác thực. Nói một cách khách quan, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập của học sinh thì ít, mà chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu kinh tế của giáo viên thì nhiều. Vì thế, việc thu nộp khoản học phí dạy thêm, học thêm cũng mỗi nơi một giá, tùy vào ý thích chủ quan của người dạy, không ai quản lý được. Những bất cập nảy sinh trong quá trình dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan như vậy đã gây nên nỗi hoài nghi bức xúc của các bậc phụ huynh và của cả xã hội về chất lượng học tập, hiệu quả giáo dục đối với con em mình.
Mặc dù, thời gian qua, Bộ GD-ĐT cũng như các địa phương đã có rất nhiều giải pháp để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm như, cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn dạy thêm cho giáo viên (Kiểu như giấy phép hành nghề), hay muốn tổ chức dạy thêm phải có đơn tự nguyện của phụ huynh học sinh... thậm chí có địa phương đã có văn bản cấm hẳn việc dạy thêm, học thêm...
Nhưng xem ra đến nay, các giải pháp này đều không mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của xã hội, việc cấm dạy thêm, học thêm là một việc làm không khả thi. Vấn đề là định hướng tổ chức dạy thêm, học thêm như thế nào, phân cấp quản lý và thực hiện ra sao giữa giáo viên, nhà trường, nhà nước cho hiệu quả để tránh những băn khoăn lo lắng về chất lượng và sự tốn kém thời gian tiền bạc không cần thiết đối với học sinh và gia đình./.