Để Hoàng thành Thăng Long trường tồn với thời gian

Việc bảo tồn các di tích, di vật văn hóa, lịch sử ở Hoàng thành Thăng Long trở thành một công việc quan trọng lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư rất lớn của các cấp, các ngành, của mọi người dân

>> Bảo tồn giá trị của Hoàng thành: Khó cũng phải làm

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới kể từ 6h30’ ngày 1/8/2010 (theo giờ Việt Nam) sau khi Ủy ban Di sản thế giới chính thức thông qua Nghị quyết công nhận trong kỳ họp thứ 34 đang diễn ra tại Brazil. Tin vui này đến đúng dịp cả nước đang hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chính bởi vậy  mà  niềm vui, niềm tự hào và trách nhiệm càng như được nhân lên.

Trước hết phải khẳng định rằng, đây là một món quà rất quí giá, một sự kiện đầy ý nghĩa đối với nhân dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội trong những ngày này. Để được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, công trình  văn hoá đó phải đạt một số tiêu chí nhất định trong 6 tiêu chí mà UNESCO đã đưa ra. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã đạt 3 tiêu chí và 3 tiêu chí này đã góp phần quan trọng khẳng định một nền văn hiến lâu đời, một truyền thống văn hoá rực rỡ của dân tộc Việt Nam.

Đối chiếu với 3 trong 6 tiêu chí của UNESCO, Hoàng thành Thăng Long được đánh giá như sau:

Đây là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây, đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp… để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá như tại khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đồng thời cũng là minh chứng rõ nét về một di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử của một quốc gia dân tộc vùng Đông Nam Á trong mối quan hệ khu vực và thế giới. Di sản còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Với sự vinh danh của UNESCO, Hoàng thành Thăng Long không chỉ toả sáng sức sống mãnh liệt và những giá trị trường tồn của văn hoá và văn hiến Việt Nam trong lòng đất nước Việt Nam, những giá trị ấy giờ đây đã được nâng lên tầm vóc nhân loại.

Hoàng thành Thăng Long cũng tiêu biểu cho sức sống và sự lan toả của tâm hòn Việt và sức sống Việt, một dân tộc đã luôn luôn biêt tiếp thu, chuyển hoá các giá trị của nhân loại, qua đó tự làm giàu và chiến đấu không ngừng để giữ gìn bản sắc của mình.

Bởi vậy, niềm vui, niềm tự hào khi khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hoá thế giới, đã trở thành niềm vui, niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài.

Do những biến thiên của thời gian và lịch sử, giờ đây những giá trị về vật chất mà tiền nhân để lại cho chúng ta không còn nhiều. Cũng bởi vậy mà từ đây, trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam và người dân Hà Nội càng nặng nề hơn.

Việc bảo tồn các di tích, di vật văn hóa, lịch sử ở Hoàng thành Thăng Long trở thành một công việc quan trọng lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư rất lớn của các cấp, các ngành, của mọi người dân và đặc biệt là của các cơ quan nhà nước.

Hiện nay, khu vực này mới chỉ được bảo tồn cấp thiết, được bảo vệ nguyên trạng để phục vụ nghiên cứu. Trong tương lai, công tác bảo tồn sẽ phải được đầu tư đúng mức với những kế hoạch lâu dài, bài bản theo đúng các chuẩn mực quốc tế. Trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm dễ huỷ hoại các di vật, di tích đã phát lộ, chúng ta phải bằng mọi giá và tìm ra biện pháp tối ưu để bảo tồn, bảo vệ khu di tích.

Chỉ có như vậy ta mới tri ân được công đức của các vị tiên tổ đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Và chỉ có như vậy, di sản quý giá của Nhân loại mới trường tồn được với thời gian, trở thành một biểu tượng để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, đoàn kết mọi tầng lớp xã hội vì sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên