Để nông nghiệp Việt Nam vươn cao, phải bắt đúng “bệnh”
VOV.VN -Nền nông nghiệp nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề ngổn ngang cần cấu trúc lại, về đất đai, lao động, thị trường và cả thể chế, chính sách.
Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có những biến chuyển thần kỳ, trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực trên thế giới. Thế nhưng, cũng chính vì nền nông nghiệp của chúng ta quá tập trung vào sản lượng, năng suất, nặng phát triển theo chiều rộng mà quên đi việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển theo chiều sâu. Vì vậy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chậm lại, lợi nhuận thấp, nông sản ế ẩm, công nghệ sản xuất lạc hậu, thấp kém so với nhiều nước trên thế giới. Làm sao để ngành nông nghiệp Việt Nam bứt phá, vươn lên một đẳng cấp cao hơn?
Gần hai năm qua, thay bằng việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đồ gỗ, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại coi nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên số 1 để đầu tư. Trên những vùng đất khô cằn và kể cả trong mùa khô ở nước bạn Lào, Campuchia, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng bắp, cọ dầu, cao su và mía theo công nghệ hiện đại nhất thế giới, áp dụng tối đa máy móc vào sản xuất. Chỉ với hai chiếc máy, 4 nhân công là có thể đảm đương trồng, chăm sóc, thu hoạch một vùng chuyên canh 5.000 ha bắp mà năng suất, hiệu quả đạt hơn 10 tấn/ha, gần tương đương với năng suất ngô của Israel.
Câu chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, nông nghiệp vẫn là mảnh đất vàng cho các nhà đầu tư để sinh lợi. Thế nhưng, một sự thực đáng buồn là hiện nay, tại sao chỉ có 1% số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, 7% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nông nghiệp nước ta? Và ngay như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tại sao không đầu tư ở trong nước mà lại sang Lào, Campuchia để trồng ngô, trồng mía?
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả cũng không có nghĩa là cứ phải có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Ngay ở những nước có khí hậu, thổ nhưỡng không hề thuận lợi cho nông nghiệp, thậm chí khắc nghiệt như Israel, Nhật Bản… lại có nền nông nghiệp hết sức phát triển. Lực lượng lao động làm nông nghiệp rất ít, chỉ chiếm vài % dân số, diện tích canh tác nhỏ hẹp, đất đai khô cằn, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp ở những nước này lại rất cao. Khoa học công nghệ chính là “phép màu” để tạo nên những giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng nền nông nghiệp nước ta lại không có hoặc vô cùng thiếu thốn.
Nhìn lại nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề ngổn ngang cần cấu trúc lại, về nguồn lực (đất đai, lao động), về thị trường, về chuỗi sản xuất và cả thể chế, chính sách.
Lâu nay, chúng ta cứ cắm cúi sản xuất, tạo ra cho nhiều gạo, nhiều rau, thế nhưng thị trường ra sao lại không tính đến; hoặc có chăng chỉ nhăm nhăm đến những thị trường dễ tính, không yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng. Nền nông nghiệp dựa trên những thị trường như vậy thì không bao giờ trở thành nền nông nghiệp “đẳng cấp cao” được.
Những năm gần đây, nông nghiệp đã tăng trưởng hết giới hạn tự nhiên; đã kiệt sức khi hàng chục năm nay nặng về phát triển theo chiều rộng, chỉ lo cái “cung” mà không tính đến “cầu”. Nhất là hiện nay chúng ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một thách thức mới và hết sức lớn đối với nông nghiệp nước nhà. Không hề nói quá vì nếu đem đối chiếu với tiêu chuẩn của TPP thì sản xuất lúa của cả vùng ĐBSCL không đáp ứng nổi, vì tiêu chuẩn của họ quá cao, trình độ sản xuất của ta lại quá thấp.
Vì thế, ngành nông nghiệp cần nhìn thẳng vào thực tế những tồn tại, yếu kém, bắt đúng bệnh và tìm ra những phương thuốc hay, hữu hiệu thì nền nông nghiệp nước nhà mới thực sự được tái cấu trúc hiệu quả và vươn lên một đẳng cấp cao hơn./.