Để quyền của người dân được thực thi
Cần trao cho người tiêu dùng quyền được kêu gọi cộng đồng tẩy chay một sản phẩm hoặc một doanh nghiệp để tạo sức ép đối với những hành vi vi phạm
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Tạo thêm quyền lợi cho người tiêu dùng
- Phát hiện hàng loạt thức ăn chăn nuôi chứa chất độc hại
- Khổ thân người tiêu dùng!
Ngày 1/7/2011, một ngày khá đặc biệt khi có tới 8 bộ luật cùng một lúc có hiệu lực thực thi, trong đó có 2 bộ luật khá quan trọng, đó là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm. Nét mới của 2 bộ luật này là sự trao quyền cho người dân, cho người tiêu dùng nhiều hơn để tự bảo vệ mình, đồng thời bắt buộc các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp phải thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình. Tuy vậy, để quyền của người dân được thực thi sẽ có không ít vấn đề rất đáng bàn.
Có quá nhiều vụ việc xảy ra gần đây, thậm chí có thể xem là phổ biến mà quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm, thậm chí là nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng. Mới nhất là câu chuyện bán hàng “rởm” trên kênh truyền hình của Công ty Happy Shopping; việc phát hiện phụ gia chứa chất gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì ở nữ có tên là DEHP…; xa hơn là mỡ thối, chân giò, thuốc lá quá hạn, gian lận bơm xăng, hạt dưa nhuộm phẩm độc, sữa nhiễm melamin, nước tương chứa chất 3-MCPD…
Trong những vụ việc như vậy người ta thấy nhiều điều lạ. Lạ ở sự phản ứng yếu ớt và cam chịu của người tiêu dùng Việt Nam. Lạ ở thái độ thờ ơ đến lãnh cảm của cơ quan quản lý. Lạ ở chỗ không ít doanh nghiệp, tổ chức vi phạm có biểu hiện coi thường pháp luật.
Nhiều điều lạ như thế nhưng lại dễ lý giải. Nói như thế bởi ở Việt Nam, với những vụ việc gây thiệt hại cho cộng đồng, phản ứng của người tiêu dùng thường chỉ là cung cấp các thông tin cho báo chí. Gần như không ai, không tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào đệ đơn khiếu nại hoặc khởi kiện doanh nghiệp.
Câu hỏi đặt ra là vì sao thế? Chỉ cần dùng một phép tính đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra rằng, nếu tiêu tốn thời gian và tiền bạc cho việc “đòi bồi thường” các khoản thiệt hại không đáng kể là… thiếu khôn ngoan. Với tâm lý đó, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng bỏ qua những tình huống bị doanh nghiệp lừa dối trong quảng cáo, trong tiêu dùng hàng ngày khi tự đánh giá là thiệt hại không đáng kể. Đó là chưa kể những gian truân khi người tiêu dùng theo kiện vướng phải thái độ trây ỳ của doanh nghiệp vi phạm, sự phức tạp của thủ tục hành chính… Còn khi thắng kiện, cũng chưa ai đảm bảo chắc chắn là các khoản đền bù cho người tiêu dùng có thể tương xứng với những gì đã phải bỏ ra cho vụ kiện. Vì thế, giải pháp người tiêu dùng sử dụng phổ biến hiện nay là thông báo cho báo chí và mong chờ vào lương tâm của doanh nghiệp vi phạm.
Trong khi đó, đa phần người tiêu dùng đứng trước sự bất lực và mờ nhạt của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng; thậm chí cả sự lãnh cảm của một số công chức, của các cơ quan có trách nhiệm. Vụ Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh không cung cấp thông tin về nước tương có chất gây ung thư… cách đây vài năm là ví dụ điển hình.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực từ hôm nay được xây dựng với tinh thần: lấy người dân làm trọng, trong đó có nét mới đáng chú ý nhất là khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí… Các qui định này được kỳ vọng sẽ khuyến khích người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình một cách tích cực và hiệu quả hơn. Tất nhiên, cùng với đó là quy trình giải quyết khiếu nại cần được xây dựng thật sự tinh giản hơn, gọn nhẹ hơn để người tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Cũng từ đây, nhiều ý kiến đồng tình với việc chúng ta cần trao cho người tiêu dùng quyền được kêu gọi cộng đồng tẩy chay một sản phẩm hoặc một doanh nghiệp để tạo nên sức ép đối với những hành vi vi phạm. Đó là điều kiện cần để người tiêu dùng thực hiện quyền năng tối cao của mình: quyền được lựa chọn của người tiêu dùng. Điều đó đã được chứng minh sống động qua vụ việc tẩy chay bột ngọt Vedan vừa rồi.
Sau ngày 1/7/2011, người dân hy vọng Luật Bảo vệ người tiêu dùng được thực thi sẽ là “tấm lá chắn” bảo vệ người tiêu dùng. Thế nhưng, điều quan trọng cần làm đầu tiên đó là tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu, ý thức được những quyền của mình đúng theo Luật./.