Để sống chung với bão lũ

Bài học sống chung với lũ, nâng cao nhận thức của người dân về việc chủ động phòng chống thiên tai luôn được đặt ra khi mùa mưa bão tới

Mấy ngày nay, cơn áp thấp nhiệt đới đầu tiên năm 2011 di chuyển vào khu vực quần đảo Trường Sa báo hiệu khởi đầu cho một mùa mưa bão đến sớm ảnh hưởng đến nước ta.

Theo dự báo, mưa bão năm nay sẽ đến sớm hơn mọi năm và diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường; vì thế, để phòng tránh và giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra, sẽ không là quá sớm khi ngay từ bây giờ, chính quyền các địa phương và người dân cần có phương án chủ động đối phó với tinh thần sống chung với lũ, vượt qua bão lũ, sẵn sàng các biện pháp phòng tránh khi mùa mưa bão đến.

Hẳn mọi người chưa quên trận lũ lụt lịch sử năm 2010 đã nhấn chìm miền Trung trong biển nước, cuốn phăng nhiều nhà cửa, trâu bò, ngô lúa của bà con và nghiêm trọng hơn là trận lũ này đã cướp đi mạng sống của gần 200 người, thiệt hại về vật chất hơn 10.000 tỷ đồng.

Có thể nói, năm 2010 là năm thiên tai tàn phá khốc liệt nhất trong gần 100 năm qua. Điều đó cho thấy, thời tiết, khí hậu ngày càng biến đổi trái với quy luật, các hiện tượng thời tiết dị thường, cực đoan xảy ra ngày càng nhiều và rất khó dự tính trước.

Vẫn biết thiên tai là khó lường, nhưng tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 2010, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cũng thẳng thắn nhìn nhận: Các địa phương vẫn chưa thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, vì thế chưa chủ động giải quyết kịp thời các tình huống. Trong khi đó, các phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn thiếu về số lượng, chủng loại, đặc biệt là phương tiện tại chỗ (như thuyền, bè) do dân tự trang bị còn chưa được chú trọng, dẫn đến bị động khi có thiên tai xảy ra.

Vấn đề quan trọng được đặt ra khi mưa bão là mỗi địa phương, thôn, xã cần chủ động huy động vật lực tại chỗ để ứng cứu. Có xã thuộc vùng thường xuyên ngập lụt đã trang bị thuyền bè để ứng phó mỗi khi có lũ. Để có thể sống chung với lũ, nhiều hộ gia đình đã tự chuẩn bị sẵn cho mình một chiếc thuyền, khi trời nắng ráo úp thuyền để trên gác nhà, lũ lụt về, họ hạ xuống sẵn sàng.

Hơn bao giờ hết, sau mỗi kỳ bão lũ, bài học sống chung với lũ, nâng cao nhận thức của người dân về việc chủ động phòng chống thiên tai có ý nghĩa to lớn khi biến đổi khí hậu đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến nước ta. Để sống chung với thiên tai, chúng ta cần có phương án chủ động đối phó, chắc chắn sẽ giảm được nhiều thiệt hại không đáng có.

Trước hết, cần nâng cao chất lượng của công tác dự báo để có phương án đối phó kịp thời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Không chỉ tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động phòng chống cho người dân, nhắc nhở người dân chuẩn bị lương thực thực phẩm mà mỗi khi mùa mưa bão đến, chính quyền địa phương cần chủ động thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, trong khi chờ lực lượng cứu hộ của tỉnh hoặc Trung ương đến ứng cứu.

Ngay từ trước mùa mưa bão, chính quyền địa phương và người dân có thể chủ động xây dựng những kho thóc chống lũ, bảo quản những giếng nước sạch trong lũ, xây dựng nhà tránh trú bão cho người dân. Nhiều năm nay, ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, nơi thường bị cô lập trong nước lũ, đã chủ động xây dựng kho thóc phòng chống lũ, dự trữ lương thực cứu đói cho dân. Chỉ với kinh phí 5 triệu đồng, cùng với công sức xây dựng của người dân, những kho thóc ở từng thôn, bản Tây Giang thực sự cứu đói hàng trăm hộ dân khi bị cô lập nhiều tuần trong nước lũ. Những mô hình như thế cần được nhân rộng nhiều hơn.

Để phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: bổ sung các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc thù mỗi địa phương để tăng cường khả năng ứng cứu tại chỗ. Thêm vào đó, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ địa phương vùng thường xuyên bị bão lụt xây dựng các công trình công cộng, từng bước tiến tới hỗ trợ mỗi gia đình xây được một gian nhà cao tầng kiên cố kết hợp làm nơi tránh trú khi lũ bão xảy ra.

Một khi, Nhà nước và người dân cùng chủ động phòng tránh, chắc chắn những đau thương mất mát mỗi mùa bão lũ sẽ giảm đi rất nhiều./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên