Đi bầu cho tương lai

Nước nhà càng phát triển, dân trí càng nâng cao thì đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân vào Quốc hội nói riêng và Nhà nước nói chung ngày càng lớn hơn.

Sáng 22/5, công dân cả nước đi thực hành quyền bầu cử, một trong những quyền dân chủ quan trọng nhất. Quyền dân chủ này chỉ có thể được thực hiện trong một nước độc lập, tự do. Với quyền này, chúng ta bầu ra người đại diện cho mình, thi hành quyền lực của mình, phục vụ lợi ích của chính  mình.

Đây là giấc mơ lớn mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dâng cả cuộc đời để tìm ra con đường hiện thực hóa nó.

Chúng ta không được quên không khí phấn khởi, hân hoan mà trang nghiêm của ngày hội non sông, ngày 6/1/1946, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là "ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình".

Bầu cử là một quyền dân chủ thiêng liêng. Quyền này có được nhờ khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc, máu và nước mắt của bao nhiêu thế hệ. 

Có thể nói, hơn 65 năm qua là khoảng thời gian quí giá và liên tục chúng ta đi tìm những cách thức, biện pháp hoàn thiện thể chế dân chủ nhân dân. Trong đó, nòng cốt là việc xây dựng cho được một bộ máy Nhà nước thực sự “của dân, do dân và vì dân”, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa ba quyền lực là lập pháp - hành pháp - tư pháp. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo được thực chất nhất quyền làm chủ của nhân dân.

Văn kiện đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh và đặt trang trọng chữ “Dân chủ” lên hàng đầu trong việc xác định đặc tính của xã hội mà chúng ta đang hướng tới, đó là: Dân chủ - Công bằng- Văn minh.

Điều đó cho thấy dân chủ vừa là khát vọng vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; Đồng thời, dân chủ cũng là một nội dung ưu tiên cao độ trong giai đoạn hiện nay và cả tương lai. Và để đạt được dân chủ, chúng ta cần một quá trình xây dựng, phấn đấu và tranh đấu lâu dài về nhiều mặt, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa-xã hội.

 Nhân dân làm chủ qua nhiều hình thức, nhiều cơ chế, nhưng quan trọng nhất là việc trực tiếp bầu ra cơ quan đại diện cho mình, đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

So với mục tiêu đề ra và so với đòi hỏi của nhân dân, rõ ràng chúng ta còn phải phấn đấu nhiều, nhưng không thể phủ nhận hoạt động của Quốc hội trong hai nhiệm kỳ gần đây là minh chứng tiêu biểu cho những tiến bộ của thể chế dân chủ. 

Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội ngày càng khẳng định và phát huy tích cực vai trò và chức năng của mình trong cơ chế tổ chức quyền lực Nhà nước hiện nay. Những phiên thảo luận, chất vấn dân chủ, cởi mở tại nghị trường, những quyết định hệ trọng của Quốc hội… cho thấy lập pháp đang làm việc và phối hợp hiệu quả với hành pháp và tư pháp. Kết quả là kinh tế khởi sắc, chính trị ổn định, vị thế quốc gia được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào tiền đồ của dân tộc.

Những gì đã đạt được càng củng cố quyết tâm phải đổi mới hơn nữa hoạt động của Quốc hội, phát huy dân chủ hơn nữa trong cơ chế bầu cử, trong hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các đại biểu được dân cử ra.

Nước nhà càng phát triển, dân trí càng nâng cao thì đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân vào Quốc hội nói riêng và Nhà nước nói chung ngày càng lớn hơn.

Bởi vậy, mọi đổi mới cần làm sao đảm bảo cho nhân dân có thực quyền, ý chí của nhân dân được thực hiện trên thực tế. Có cơ chế để dân kiểm tra, giám sát, bãi miễn những đại biểu không xứng đáng với nhân dân.

Để đạt được sử cởi mở chính trị như ngày nay tại Quốc hội, chúng ta đã từng rất khó khăn trong việc quyết định làm những việc chưa có trong lịch sử. Chính bởi vậy, không có lý do gì ngăn cản chúng ta tiếp tục mở rộng cơ chế tranh cử, tiếp xúc cử tri, thể lệ bầu cử,vv…để các cơ quan dân cử nghe được tiếng dân, bám sát đời sống, bắt mạch đúng những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, từ đó giúp cho công việc của Nhà nước ngày càng hiệu quả hơn.

Khi nhân dân đã thấy được như vậy, tất nhiên sẽ tạo được một sự hào hứng chính trị lan tỏa trong toàn xã hội. Chúng ta đi bầu cử cũng là bầu cho tương lai của chính mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên