Điểm trúng tuyển đại học cao "ngất ngưởng": Chất lượng đầu vào có tăng
VOV.VN -Điểm chuẩn đại học cao không phải do chất lượng học tập và thi cử được nâng lên mà do đề thi năm nay dễ và nhiều em còn trúng tuyển do may mắn.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học 2017 đang bước vào giai đoạn nước rút. Hai ngày qua, các thí sinh đã biết kết quả trúng tuyển đại học. Nhiều em đã làm xong hồ sơ trúng tuyển, sẵn sàng nhập học. Năm nay, Bộ GD-ĐT thay đổi cách thức thi, “mở” ra nhiều nguyện vọng hơn cho các thí sinh. Nhờ đổi mới, nên ngay đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học đã tuyển gần như đủ sinh viên. Và năm nay không còn cảnh thí sinh và người nhà chạy đôn chạy đáo để rút rút, nộp nộp hồ sơ; theo dõi điểm tuyển sinh của các trường lên xuống như chơi chứng khoán…
Thế nhưng, chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh đại học của Việt Nam có chuyện thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 vào đại học, tạo sự thất vọng, hoang mang cho không ít thí sinh và gia đình. Thống kê từ các trường đã công bố cho thấy điểm chuẩn năm nay tăng từ 1 - 6 điểm so với năm 2016 và là mức điểm chuẩn chênh lệch giữa năm trước và năm sau lớn nhất từ trước tới nay (thường chỉ ở mức từ 1 - 3 điểm).
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện 30 điểm vẫn rớt đại học trước hết là do việc cộng điểm ưu tiên (mức tối đa có thể được cộng thêm đến 5,5 điểm). Nguyên nhân thứ hai, các trường ĐH ngành công an, quân đội giảm gần một nửa chỉ tiêu tuyển sinh 2017 so với năm 2016.
Và một nguyên nhân quan trọng nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy là do đề thi năm nay quá dễ, nên thí sinh đạt điểm rất cao. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có tới 4.200 điểm 10, gấp 60 lần so với năm học 2016. Chính vì thế, các trường tuyển được thí sinh điểm cao chưa chắc chất lượng sinh viên đã cao. Đây là bất cập trong tuyển sinh đại học năm nay.
Tuyển sinh đại học ngoài việc đáp ứng được các chính sách ưu tiên về vùng, miền và đối tượng nên dành số chỉ tiêu, tỷ lệ điểm nhất định cho chính sách này, thì sự công bằng, đảm bảo chất lượng phải là yếu tố hàng đầu. Bởi nhân lực quốc gia là từ đây. Thi đại học phải thực sự là một cuộc sàng lọc qui mô, khắt khe và công bằng.
Với cách tuyển sinh như năm nay, thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học, là giải pháp được Bộ GD-ĐT cho là nhân văn, nhưng hệ lụy chung lại quá lớn. Từ khâu ra đề tới xét tuyển đại học đều chưa có tính phân loại rõ ràng nên nguồn tuyển sinh đại học vô cùng dồi dào. Chính vì thế, các trường cao đẳng và dạy nghề lại rơi vào tình thế “dài cổ” ngóng thí sinh. Nhà nhà đều có con em trúng tuyển đại học sẽ khiến tình trạng cử nhân thất nghiệp vẫn là bài toán nan giải.
Như vậy, mấu chốt của kỳ thi là nâng cao chất lượng đầu vào của các trường đại học gần như chưa đạt được. Bởi đề dễ nên học sinh làm bài đạt điểm cao, chứ không phải do việc dạy – học trước đó tốt và đề thi có tính sàng lọc cao.
Trước đó, với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần như 100% nhiều chuyên gia giáo dục đầu ngành đã đề xuất nên bỏ kỳ thi này mà chỉ cần xét tốt nghiệp hoặc các địa phương có thể tự tổ chức để xét tốt nghiệp cho các em. Còn với thi đại học, để nâng cao chất lượng thì nên siết chặt kỳ thi này, có tính sàng lọc cao để các trường tuyển được thí sinh đủ thực lực, phù hợp với sở trường của thí sinh và năng lực đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta lại đang làm ngược lại!/.