Đoàn kết và tự tin

Đại hội thêm một lần khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giang sơn và Chính phủ là của chúng ta. Vậy nên, tất cả các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.

Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I khai mạc trọng thể. Đại hội biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến của đồng bào các dân tộc, đồng thời thắt chặt thêm tình đoàn kết anh em, tự tin cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa…

Đại hội là sự kiện lịch sử, vô cùng ý nghĩa. Lần đầu tiên, hơn 1.700 đại biểu, đại diện cho tất cả các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam gặp nhau dưới một mái nhà, cùng nhau bàn chuyện lớn. Càng ý nghĩa hơn, khi cuộc biểu dương tình đoàn kết anh em giữa các dân tộc diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, vào dịp chuẩn bị đại lễ mừng Thăng Long – Hà Nội 1.000 năm tuổi! Thủ đô hội tụ khí thiêng sông núi, hội tụ nguyên khí hiền tài, chứng kiến đại biểu các dân tộc anh em tụ hội về đây làm sáng thêm biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhớ lại cách đây 64 năm trước, vào lúc vận nước gặp buổi gian nan, đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam lúc bấy giờ đã tổ chức đại hội đại biểu tại Pleiku, Gia Lai. Đại hội lần ấy thể hiện ý chí đoàn kết, ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống thực dân xâm lược. Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội 64 năm trước trở thành tuyên ngôn bất hủ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống khoan dung hòa hợp từ ngàn năm. Từ ngàn năm, các dân tộc chung sống khoan hòa, không xung đột, tị hiềm. Tự thẳm sâu tiềm thức mỗi người, các dân tộc chung sống lâu đời trên dải đất Việt Nam đều có chung cội nguồn, đều là anh em. Mạch tâm thức ấy xuyên suốt lịch sử, đan dệt những mối quan hệ bầu bí chung giàn, gà cùng một mẹ, máu chảy ruột mềm… Đến thời đại Hồ Chí Minh, mạch tâm thức đoàn kết dân tộc được khơi mở, củng cố, phát huy trên cái nền “thương yêu nhau”, “kính trọng nhau”, “giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta”.

Đại hội thêm một lần khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giang sơn và Chính phủ là Giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt.

Chính sách của Đảng, Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc là nhất quán, xuyên suốt: Đảng ta luôn coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ; “cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Thực tế hàng chục năm qua, chính sách đi liền với đầu tư vật chất là lớn lao. Tuy vậy, chính sách cần phải thiết thực hơn nữa, vì đời sống đồng bào hơn nữa, tránh tình trạng, như cách nhận xét, ví von của đồng bào: Chính sách ở trung ương thì phải rộng lớn như biển; về tỉnh chỉ như sông; xuống huyện còn như suối; về xã, thôn, bản chỉ còn như khe, lạch nhỏ…

Đại hội lần này, như cách nói hình ảnh của một đại biểu, là để thấy dân tộc Việt Nam mình đông anh em, người anh em các dân tộc giỏi giang, để rồi tự tin hơn, để “cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Mỗi dân tộc như dòng suối nhỏ, tự tin hội tụ về sông, từ sông hướng ra biển lớn. Nhưng sông, suối không bao giờ đứt nguồn, như từng dân tộc không tự đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc mình trong thế giới hội nhập rộng lớn này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên