Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8:

Đoàn kết xây dựng ngôi nhà chung

Với tinh thần đoàn kết thực sự, mỗi nhà văn, mỗi hội viên mới đóng góp được sức sáng tạo cá nhân một cách có hiệu quả nhất vào việc xây dựng ngôi nhà chung cho chính mình

Gần 1.000 nhà văn của cả nước đang có mặt tại Hà Nội - vùng đất Thăng Long nghìn năm, để tham dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8. Lần đầu tiên Đại hội có sự tham gia của tất cả các hội viên, thể hiện sự tin cậy của Đảng và nhân dân ta, đồng thời cũng khẳng định vị trí không thể thay thế của các nhà văn, những chiến sĩ hàng đầu trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

Cho dù có những cách nhìn nhận đánh giá khác nhau, nhưng phải thừa nhận rằng, không một hình thái ý thức xã hội nào thay thế được văn học trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con nguời, đặc biệt là người Việt Nam ta. “Trong bụng mẹ đã từng nghe tiếng hát/Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ” - Nguyễn Bính đã viết như vậy.

Phát huy truyền thống quí báu đó, từ khi có Đảng lãnh đạo, đến nay, văn học khắc hoạ cuộc sống ngày càng sâu sắc, chân thật hơn, trở thành bộ phận khăng khít trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Trong những bước ngoặt lịch sử của đất nước, Đảng ta kịp thời đề ra những quan điểm, chủ trương và đường lối thích hợp, nhờ đó văn học đã đồng hành cùng dân tộc trên những đoạn đường đầy gian nan hiểm trở nhưng cũng rất vẻ vang.

Lớp lớp kế tiếp nhau, cho đến nay, có thể nói chưa bao giờ đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực văn học của Việt Nam hùng hậu đến như vậy. Từ 165 nhà văn - chiến sĩ khi mới thành lập, đến nay Hội Nhà văn Việt Nam đã có 922 hội viên, bao gồm 5 thế hệ cầm bút, ngày càng có thêm nhiều cây bút trẻ tài năng, nhiều cây bút nữ và cây bút người dân tộc thiểu số. Đó là chưa kể hàng nghìn, hàng vạn cây bút tuy không đứng trong Hội Nhà văn nhưng cũng thường xuyên tham gia, đóng góp vào diện mạo và sự lớn mạnh của nền văn học nước nhà.

Đảng và Nhà nước ta thường xuyên tăng thêm kinh phí cho Hội Nhà văn để tổ chức cho hội viên đi thực tế, tổ chức trại sáng tác, hội thảo, xét tặng giải thưởng và nhiều hoạt động thiết thực khác. Hội Nhà văn còn có Nhà xuất bản, nhiều tờ báo chuyên về văn học, có cả hãng phim, trung tâm nghiên cứu - đào tạo, trung tâm bảo vệ bản quyền...

Sự quan tâm của Đảng - Nhà nước, sự ghi nhận của nhân dân đối với các nhà văn còn thể hiện ở hàng trăm giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh được trao cho các hội viên Hội Nhà văn trong hơn nửa thế kỷ qua; hàng chục hội viên được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Sao Vàng; hàng chục nhà văn được giải thưởng khu vực và quốc tế...

Được Đảng và nhân dân tin cậy, đồng thời nhận rõ vị trí, trách nhiệm của mình, từng nhà văn tuy có lúc đứng trong ngôi nhà chung của Hội hay có lúc tách mình ra sáng tạo riêng thì cũng đều thể hiện được bản lĩnh của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhà văn đã làm được nhiều việc nhằm đẩy mạnh sáng tác, lý luận, phê bình; đầu tư chiều sâu cho nhiều tác giả, tác phẩm, góp phần để việc xã hội hoá văn học ngày càng hiệu quả.

Từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 2.000 tác phẩm văn học được phát hành. Trang viết, tiếng nói của các nhà văn ngày càng có tác động xã hội sâu rộng. Tất cả những gì thuộc về con người, do con người, liên quan trực tiếp đến con người, cho dù được ghi chép lại và thể hiện ở những góc cạnh khác nhau nhưng đều mang đầy chất nhân văn.

Tuy nhiên, có nhiều tồn tại được nêu ra từ các nhiệm kỳ trước, nhưng đến nay Hội Nhà văn vẫn chưa khắc phục được. Đáng nói nhất là chưa có tác phẩm xứng tầm trong điều kiện sáng tạo tốt hơn, mặt bằng tư duy nghệ thuật cao hơn. Rồi hàng loạt vấn đề của đời sống kinh tế xã hội, vấn đề nhân sinh, tình người,... đang đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, trong việc chống lại ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hoá,... nhưng nhiều nơi nhiều lúc còn thiếu vắng các nhà văn, là những chiến sĩ tâm hồn nhạy cảm với trí tuệ sắc sảo và trái tim nhiệt huyết.

Nguyên nhân dễ nói là “lực bất tòng tâm”. Trong xã hội, trong thế giới ngồn ngộn thông tin, vấn đề như vậy thì quả là quá sức của gần 1.000 hội viên. Và còn nữa, nguyên nhân được Hội Nhà văn thừa nhận là có lúc chưa thực sự đoàn kết, có biểu hiện bè phái, thiếu trách nhiệm, có khi lại dân chủ quá đến mức mất tập trung,...

Để khắc phục những hạn chế đó, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 này được tiến hành với tinh thần Đoàn kết, Dân chủ, Xây dựng, Sáng tạo. Chỉ có đoàn kết và dân chủ thực sự thì hoạt động của Hội Nhà văn mới tuân thủ được phương châm tất cả cho hội viên, tất cả vì hội viên. Chỉ có đoàn kết và dân chủ thực sự thì Hội mới mở lòng ra đón nhận được những làn gió mới, những vệt nắng mới để tiếp sức, tô đẹp thêm diện mạo và tầm vóc của nền văn học nước nhà. Cũng chỉ với tinh thần đoàn kết thực sự, mỗi nhà văn, mỗi hội viên mới đóng góp được sức sáng tạo cá nhân một cách có hiệu quả nhất vào việc xây dựng ngôi nhà chung cho chính mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên