Doanh nghiệp chung tay bình ổn giá

Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, khẳng định thương hiệu, cũng như gây dựng uy tín trên thương trường

Hơn 10 ngày qua, VOV và các phương tiện thông tin đại chúng khác đều đồng loạt thông tin về việc các nhà phân phối, bán lẻ lớn như Big C, hệ thống siêu thị Co.opMart… đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất, cung cấp để có nguồn hàng hóa tới tay người tiêu dùng với giá hợp lý nhất. Các nhà phân phối này đều bày tỏ thái độ kiên quyết từ chối và không bán hàng đối với những hiện tượng đòi tăng giá bất hợp lý của nhà cung cấp. Từ động thái này của các doanh nghiệp phân phối, có thể thấy được nhiều điều.

Đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước, năm 2011 là thời kỳ đầy khó khăn do giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao, qua chỉ số giá tiêu dùng của 4 tháng đầu năm tăng gần 10% so với thời điểm cuối năm 2010, chỉ số giá đầu vào của sản xuất cũng tăng đáng kể do giá nhiều nguyên nhiên liệu tăng mạnh.

Trong tình hình khó khăn, đã có việc doanh nghiệp, tiểu thương tăng giá “té nước theo mưa”, trục lợi, bắt chẹt người tiêu dùng, nhưng chúng ta cũng thấy những nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, hay chính những tiểu thương tại các chợ cũng chia sẻ với người tiêu dùng, giữ giá hàng hóa ổn định, đa dạng các dịch vụ chăm sóc khách hàng… Đây chính là những điểm cộng, làm đẹp thêm hình ảnh thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, gây dựng sự tin tưởng của khách hàng.

Tại hệ thống siêu thị Big C, dù không tham gia chương trình bình ổn giá do địa phương tổ chức, nhưng cách kinh doanh của hệ thống này lại làm được công việc bình ổn giá khá tốt. Mọi thời điểm, siêu thị đều có các chương trình khuyến mại, giảm giá, không phải nhằm vào những nhóm hàng tồn kho, hoặc sắp hết hạn sử dụng, mà lại nhằm vào những nhóm hàng thiết yếu, hoặc đang có nhu cầu cao trên thị trường. Điều này liệu có mâu thuẫn gì với diễn biến tình hình giá cả thị trường, và cung cầu hàng hóa?

Thực tế việc kinh doanh của Big C cho thấy, từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đã thể hiện phương châm: hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà phân phối. Do vậy, nhà cung cấp, sản xuất cũng rất sẵn lòng tham gia các chương trình khuyến mãi của nhà phân phối. Kết quả cuối cùng: người tiêu dùng hưởng lợi, và nhà sản xuất cũng chẳng thiệt: bán được nhiều hàng, tiếp thị được sản phẩm mới với chi phí vừa phải, không quá tốn kém. Cũng chính nhờ sự liên kết, đàm phán tốt giữa nhà phân phối và sản xuất, mà rất nhiều sản phẩm được bán ở hệ thống Big C có giá rẻ hơn giá chợ lẻ, chất lượng hàng hóa được kiểm soát.

Còn như vậy ở hệ thống Co.opMart, tháng 5 này, các siêu thị tiếp tục thực hiện khuyến mại giảm hàng ngàn mặt hàng thực phẩm, đồ dùng, thời trang và thực hiện hơn 100 chuyến xe mang hàng hóa đến phục vụ người nghèo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu vùng xa.

Thời điểm này, khi nhận được những đề nghị tăng giá của bên cung cấp, lãnh đạo Co.opMart, BigC đều bày tỏ thái độ dứt khoát, không chấp nhận những yêu cầu tăng giá quá mức. Có thể có những phản ứng từ phía nhà cung cấp, một số quầy kệ thiếu hàng, nhưng đã được siêu thị bổ sung kịp thời bằng những mặt hàng cùng chủng loại.

BigC, Co.opMart có thể làm được như vậy, do có thể khai thác nguồn hàng đa dạng, cùng một mặt hàng lấy ở nhiều nhà cung cấp khác nhau, tạo sự cạnh tranh về giá và lựa chọn của người tiêu dùng trên cùng một quầy kệ, không để độc quyền một nhà cung cấp nào cho cùng một nhóm mặt hàng. Lần đầu tiên có thể thấy các nhà phân phối đã đứng về phía người tiêu dùng, nói “không” với việc tăng giá “té nước theo mưa”, cùng chung tay bình ổn giá, một cách rất thị trường, không tốn kém.

Để cùng chung tay ổn định thị trường, những hành vi tăng giá “té nước theo mưa”, đầu cơ trục lợi, găm hàng chờ tăng giá cần được cơ quan quản lý xử lý nghiêm, cần được các phương tiện thông tin đại chúng “vạch mặt chỉ tên”, nêu rõ để người tiêu dùng nhận biết và tẩy chay các loại hàng hóa, dịch vụ tăng giá quá mức.

Bên cạnh phê phán những biểu hiện xấu trên thị trường, cũng rất cần nêu tên, đưa tin, biểu dương những doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh dịch vụ giữ chữ tín với khách hàng, có những hình thức chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, với cộng đồng xã hội một cách thiết thực như BigC, Co.opMart…

Khó khăn trên thị trường hiện nay như giá cả đầu vào tăng đương nhiên ảnh hưởng tới mọi thành phần trong nền kinh tế. Nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp biến cái khó thành lợi thế, nâng cao trách nhiệm xã hội, ghi điểm cho mình trên con đường khẳng định thương hiệu, cũng như gây dựng uy tín trên thương trường.

Bài học thành công của nhiều tên tuổi lớn trên thế giới như Tập đoàn bán lẻ Wallmart, cũng xuất phát từ việc gia nhập thị trường lúc khó khăn, chọn phân khúc thị trường phù hợp, với chuỗi cửa hàng tiện dụng đầu tiên mang tên “Năm xu và một hào”, biến việc hạ giá bán sản phẩm - tưởng chừng là không thể thành việc có thể, kinh doanh với giá rẻ nhất và trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên