Doanh nghiệp - Đầu tàu dẫn dắt sản xuất nông nghiệp
VOV.VN - Nông nghiệp luôn được coi là lĩnh vực ổn định, an lành nhất, ngay cả khi có khủng hoảng kinh tế.
Những yếu tố làm nên thành công trong sản xuất nông nghiệp như vốn, công nghệ, thị trường mà người nông dân đơn lẻ không có điều đó lại có ở các doanh nghiệp. Trong mối liên kết 4 “nhà”, doanh nghiệp được coi là đầu tàu dẫn dắt sản xuất, thế nhưng lâu nay lĩnh vực nông nghiệp lại đang thiếu toa tàu đi đầu này nên sản xuất sụt giảm, bấp bênh, khó tiêu thụ.
Hai năm qua, thay bằng việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đồ gỗ, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại coi nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên số 1 để đầu tư. Trên những vùng đất khô cằn và kể cả trong mùa khô ở nước bạn Lào, Campuchia, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng bắp, cọ dầu, cao su và mía theo công nghệ hiện đại nhất thế giới, đạt hiệu quả gần tương đương với nền nông nghiệp công nghệ cao Israel.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại coi nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên số 1 để đầu tư. (ảnh: KT) |
Không chỉ có Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, gần đây, nhiều tập đoàn lớn khác cũng khai thác mảnh đất nông nghiệp để phát triển kinh doanh như: Tập đoàn Hòa Phát, Vingroup, Him Lam...
Các đại gia trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ này đều khẳng định, đầu tư vào nông nghiệp không phải là chạy theo mốt, mà đây là sự tính toán làm ăn kỹ càng, bài bản. Điều đó cho thấy, nông nghiệp vẫn là mảnh đất vàng cho các nhà đầu tư để sinh lợi.
Thế nhưng, dù vậy đến nay, chỉ có 1% số lượng doanh nghiệp, 7% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào nông nghiệp nước ta? Và ngay như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, họ đầu tư vào nông nghiệp với phương thức làm ăn lớn, hiện đại nhưng không phải ở Việt Nam?.
Đầu tư vào nông nghiệp là công cuộc dài hơi, tốn kém và rủi ro cũng không ít: Thiên tai, mưa gió thất thường; sản phẩm theo tính mùa vụ, khó tiêu thụ. Nhưng điểm nghẽn lớn nhất mà các doanh nghiệp e ngại đầu tư vào lĩnh vực này là đất đai.
Nước ta là một trong những quốc gia có diện tích canh tác nhỏ nhất thế giới, chỉ khoảng 0,6 ha/người. Những thửa ruộng nhỏ như manh chiếu thuộc quyền sử dụng của hàng chục triệu hộ nông dân nhỏ lẻ khó vô cùng cho việc tích tụ để đủ diện tích cho sản xuất lớn hàng trăm ha. Một ví dụ: Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã phải tổ chức đến 62 cuộc họp để thực hiện dồn đổi được 72 ha từ các ruộng nhỏ lẻ của nông dân mới tạm đủ cho vùng mía nguyên liệu.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, sản xuất manh mún, lạc hậu sẽ không thể tạo ra những nông sản có đủ chất lượng, số lượng, không thể có giá trị gia tăng cao và cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hoặc thuê đất của nông dân, hoặc nông dân góp đất làm cổ phần cho doanh nghiệp. Thực tế đã có nơi, nông dân làm thuê cho doanh nghiệp trên chính thửa ruộng của mình lại có thu nhập cao hơn rất nhiều so với trước kia, khi tự trồng vài sào khoai, sào lúa.
Nông nghiệp luôn được coi là lĩnh vực ổn định, an lành nhất, ngay cả khi có khủng hoảng kinh tế. Các chuyên gia dự đoán, giá cả nông sản sẽ ngày càng đứng ở mức cao trong tương lai khi dân số ngày một tăng nhanh và biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề hơn. Nhưng về ngắn hạn, bước vào nông nghiệp, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Không chỉ có đất đai mà chính sách về vay vốn, về thuế, về kết cấu hạ tầng ở nông thôn cũng là những rào cản khiến doanh nghiệp chưa mấy mặn mà khi đầu tư vào lĩnh vực này. Thậm chí, những chính sách ưu đãi doanh nghiệp đã được ban hành nhưng thực tế, các doanh nghiệp lại chưa hết “toát mồ hôi” vì những thủ tục rườm rà, những cơ chế ở bao tầng nấc nhiều khi không thể hiểu nổi.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu năm nay, Bộ NN&PTNT cũng đã nhóm họp được 30 doanh nghiệp đầu tàu đầu tư vào nông nghiệp. Hy vọng, với cách làm ăn minh bạch, bài bản và cái tâm trong sáng, cùng sự đầu tư mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp, sản xuất nông nghiệp nước nhà sẽ có bước phát triển đột phá, hiệu quả và bền vững hơn./.