Doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ
(VOV) - Các giải pháp từ Nghị Quyết 02/CP cần được thực thi đồng bộ và quyết liệt từ cấp vĩ mô.
Nền kinh tế đã đi qua 5 tháng với những khởi sắc bước đầu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau cao hơn tháng trước; sự cải thiện của chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã kéo theo sự giảm dần qua các tháng của chỉ số hàng tồn kho. Cùng với đó là chỉ số niềm tin kinh doanh tăng điểm, thể hiện sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp đã trở lại. Tuy nhiên, với bộn bề khó khăn trước mắt, doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ và thực chất hơn.
Nhìn vào các con số thống kê của 5 tháng đầu năm 2013, đáng lưu ý, cùng với lạm phát được kiềm chế, giá cả thị trường tương đối ổn định là xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt khoảng 49,94 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước); sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi (chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2012).
Từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (với số vốn đăng ký hơn 156,43 nghìn tỷ đồng), khoảng 8.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại thị trường… Có được điều đó, trước tiên là bởi chính những nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các cấp ngành và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ đưa ra đã có những hiệu ứng tích cực.
Với phương châm “bớt đầy kho - tăng chặt túi”, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất, quản trị dòng tiền, kiên trì tìm đầu ra cho thị trường. Chính quyền nhiều nơi đã có những cách làm hay để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động. Ví như, để thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp, Hà Nội tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu mới, TP Hồ Chí Minh triển khai sớm chương trình “bình ổn giá” và tìm đầu ra cho các sản phẩm chủ lực…
Cùng với việc thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) để xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng tới doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 8% xuống 7% (có hiệu lực từ 13/5/2013) và đang cân nhắc việc áp trần lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu tín dụng.
Các chính sách tài khóa liên quan đến miễn, hoãn, giảm một số loại thuế, trong đó có việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% dự kiến được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này… được cho là sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp trong việc khơi thông hàng tồn kho, phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, tất cả những việc đã làm đó, mới chỉ là giải quyết từng bước, đơn lẻ các giải pháp đã được Chính phủ chỉ ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP mà thôi. Bởi, chỉ riêng việc “giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư” - Nghị quyết này đã đưa ra tới 10 giải pháp khá cụ thể, đó là: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và du lịch; đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, chú ý giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng; đồng bộ các biện pháp lãi suất, vốn cho các lĩnh vực tồn kho lớn; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh cải cách hành chính; coi trọng công tác dự báo và điều hành thị trường, thông tin khách quan, công khai và minh bạch.
Nghị quyết 02/NQ-CP cũng chỉ ra tới 9 nhóm giải pháp thuế hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, cùng với việc tập trung vào việc gia hạn, giảm, giãn, miễn, hoãn một số loại thuế là việc rút ngắn thời gian thủ tục thuế, hải quan và đẩy mạnh kiểm soát hoàn thuế, rà soát đối tượng kinh doanh. Cùng với đó, Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào các giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Vấn đề đặt ra là cần thực thi tất cả các giải pháp này một cách đồng bộ và quyết liệt từ cấp vĩ mô, Bộ ngành, đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và thị trường. Ví như tất cả các biện pháp tổng hợp được Nghị quyết 02/NQ-CP nêu lên đều được triển khai thực hiện đối với từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể, đến từng doanh nghiệp và thậm chí là đối với từng dự án cụ thể, chắc chắn đầu ra cho sản phẩm hàng hóa sẽ được cải thiện, niềm tin của doanh nghiệp và thị trường sẽ tiếp tục có triển vọng tốt hơn trong thời gian tới./.