Doanh nhân Việt và khát vọng vươn ra thế giới
Với hơn 500.000 doanh nghiệp, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã và đang tạo ra một đội ngũ doanh nhân Việt năng động, có khát vọng và ý chí vươn xa
- Chủ lực, xung kích trong hội nhập
- Doanh nhân chung tay xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam
- Bầu Đức tham dự Giải Doanh nhân toàn cầu
Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay, giới doanh nhân đón nhận một tin vui, đó là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức được bầu là “Doanh nhân xuất sắc nhất”, đại diện cho Việt Nam tham dự vòng chung kết Giải thưởng doanh nhân toàn cầu của Ernst & Young năm 2012 tại Monte Carlo (Monaco) vào tháng 6/2012.
Nhiều doanh nhân đã được tôn vinh vì những đóng góp cho xã hội (Ảnh minh họa) |
Ông Đoàn Nguyên Đức cũng là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Đoàn Nguyên Đức là điển hình cho một lớp doanh nhân đàn anh đầy khát vọng, tự tin và bản lĩnh, đã và đang tiếp sức cho thế hệ những doanh nhân trẻ nối tiếp thành công và nuôi dưỡng khát vọng vượt tầm quốc gia, vươn ra thế giới. Đây cũng là yêu cầu của thực tế khi đất nước đang cần phải có một thế hệ doanh nhân như thế.
Hành trình vượt vũ môn của các “doanh nhân lớn” Việt Nam là hành trình ghi nhận là nỗ lực tự thân của chính doanh nhân. Ít ai biết, doanh nhân mang tầm quốc tế Đoàn Nguyên Đức đã có thời thơ ấu vất vả, khó nhọc. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm, ông Võ Quốc Thắng cũng phải vất vả bươn trải từ rất sớm để gây dựng thương hiệu gạch Đồng Tâm hôm nay... Khát vọng vươn lên là yếu tố chính để các doanh nhân Việt thành công.
Chúng ta nức lòng, tự hào vì những tên tuổi lớn mang tầm vóc doanh nhân Việt có thể cạnh tranh được với thế giới như Bitis, Hòa Phát, Trung Nguyên, Kinh Đô, Gạch Đồng Tâm, Thiên Long, Phở 24, Hoàng Anh - Gia Lai, FPT... Những doanh nhân đó được hưởng thành quả lớn lao của công cuộc Đổi mới. Luật doanh nghiệp năm 1999 được coi là dấu mốc thay đổi tư duy quan trọng trong phát triển kinh tế, khai phóng sức dân, tạo điều kiện để mọi người dân, mọi doanh nhân được làm những điều mà pháp luật không cấm.
Với hơn 500.000 doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tạo ra một đội ngũ doanh nhân Việt đông đảo và năng động. Bản lĩnh doanh nhân luôn được thử thách khi kinh tế trong nước và thế giới nhiều biến động, nhiều khó khăn. Khi doanh nhân Việt đối đầu và vượt qua được những thời khắc được xem là đỉnh điểm của khó khăn, suy thoái năm 2008 và những tháng đầu năm 2011 này, người ta mới thấy tinh thần kiên cường của doanh nhân Việt. Sức sáng tạo của doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế đã tạo nên sức bật cho cả hệ thống, đưa kinh tế đất nước đang dần thoái khỏi suy thoái, thoát khỏi những khó khăn nội tại.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, với 90% doanh nghiệp của ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên vẫn còn đó những nỗi lo về quy mô cũng như cung cách làm ăn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, tư duy và tầm nhìn hạn chế….
Còn đó những doanh nhân làm ăn theo kiểu “chụp giật”, “cơ hội” như: nhảy vào thị trường bất động sản, chứng khoán đầu cơ, tạo sóng kiếm lời… hoặc thậm chí bất chấp đạo lý, đạo đức kinh doanh khi coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, cuộc sống của người dân.
Còn đó những thông tin về doanh nghiệp cố tình xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp vì lợi nhuận kinh doanh hàng bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh...
Sẽ không còn chỗ cho những tư duy và cách làm ăn thiếu đạo đức của các doanh nhân kiểu như thế trong thời đại của hội nhập và cạnh tranh. Câu chuyện người tiêu dùng “tẩy chay” sản phẩm bột ngọt Vedan vì đã xả thải ra môi trường là bài học cảnh tỉnh những doanh nghiệp rắp tâm làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm xã hội.
Yêu cầu thực tế của hội nhập và cạnh tranh toàn cầu đang cần phải có một thế hệ doanh nhân Việt tuân thủ những tôn chỉ trên thương trường, mà cao nhất là phải có tinh thần thượng tôn pháp luật, một vấn đề vốn vẫn được xem là điểm yếu của doanh nhân Việt.
Thực tế cũng yêu cầu chúng ta cần có những đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, mang khát vọng vươn xa hơn. Thế hệ doanh nhân này mang trọng trách phải "vươn ra thế giới". Có thể họ sẽ là thế hệ doanh nhân thứ 3 kể từ khi Đổi mới, những doanh nhân trẻ sinh trong những năm 1970, 1980. Họ đang có nhiều cơ hội để tạo nên những doanh nghiệp xứng tầm quốc tế, với sự hậu thuẫn và tạo kiện kiện của những thế hệ doanh nhân đi trước như: Trương Gia Bình, Lý Quý Trung, Đặng Lê Nguyên Vũ, Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng, Đặng Thành Tâm, Trần Bá Dương, Lê Văn Quang, Cao Ngọc Dung, Trần Đình Long…
Chúng ta có thể kỳ vọng vào một thế hệ doanh nhân mới đủ sức vươn tầm khu vực và thế giới, đó là một thế hệ doanh nhân được tạo điều kiện và và cơ hội chuẩn bị kỹ càng, bài bản và chuyên nghiệp trong kinh doanh trên nền tảng văn hóa doanh nhân Việt, trên tinh thần tự tôn dân tộc, thượng tôn pháp luật và có khát vọng đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc.
Yêu cầu và trách nhiệm lớn lao của doanh nhân là thế, nhưng doanh nhân cũng trông chờ một môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi. Sự minh bạch trong ban hành và thực thi chính sách. Một tinh thần doanh nhân như thế cũng chờ đợi sự tương xứng về tinh thần và khát vọng của những nhà quản lý xứng tầm./.