Đổi mới, bổ sung để hoàn thiện và phát triển

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cách mạng, khoa học và trí tuệ, không ngừng hoàn thiện đường lối, không ngừng đổi mới…

Đổi mới để hoàn thiện, để tồn tại và phát triển. 80 năm qua, Đảng ta luôn luôn nhận thức, soi xét lý luận với thực tiễn, tự bổ sung để hoàn thiện đường lối cương lĩnh. Mỗi lần bổ sung, hoàn thiện là mỗi lần dân tộc gặt hái thêm nhiều thành tựu… 

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt. Đó chính là cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, xác định một cách toàn diện và rõ ràng mục tiêu cánh mạng, phương pháp cách mạng, lực lượng cách mạng… Ngay sau đó, vào tháng 10/1930, cương lĩnh đầu tiên của Đảng được bổ sung bằng tài liệu Luận cương Cách mạng tư sản dân quyền, do Tổng Bí thư Trần Phú khởi thảo, làm sáng tỏ thêm mục tiêu cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cương lĩnh năm 1930 của Đảng đã soi rọi, dẫn dắt phong trào cách mạng, đưa cách mạng nước ta đến thành công mà tiêu biểu là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945…

Qua mỗi kỳ đại hội, Đảng ta đều bổ sung cương lĩnh, đường lối, làm phong phú thêm kho tàng lý luận của Đảng. Năm 1991, tại Đại hội VII, Đảng ta thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó chính là cương lĩnh thứ hai của Đảng, gọi tắt là Cương lĩnh 1991.

Cương lĩnh 1991 khẳng định tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xác định sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Cương lĩnh 1991 định hướng cho sự phát triển của đất nước; là cơ sở để tiếp tục phát triển hệ thống lý luận.

Gần 20 năm qua là giai đoạn đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập, với nhiều thành tựu to lớn, từ đối nội đến đối ngoại, từ kinh tế đến chính trị, từ an ninh quốc phòng đến văn hoá, xã  hội…

Vào dịp hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI của Đảng, một lần nữa, Đảng ta lại chủ trương đánh giá lại hệ thống lý luận, tổng kết thực tiễn, lấy thực tiễn soi rọi lý luận, bổ sung đường lối cương lĩnh. Sau hơn 20 năm đất nước đổi mới và gần chừng ấy năm thực hiện cương lĩnh 1991, thực tiễn đất nước, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều chuyển biến, có những vấn đề lý luận trở nên lạc hậu, không theo kịp thực tiễn, thực tiễn vượt khỏi tầm lý luận…

Thực tiễn luôn luôn sinh động, luôn luôn chuyển động như cây đời mãi mãi xanh tươi, đòi hỏi lý luận phải đổi mới để bắt kịp thời đại, để thực hiện chức năng định hướng, soi đường thực tiễn. Chúng ta đang bước vào năm cuối của thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, chuẩn bị bước sang năm đầu tiên của thập niên thứ 2 với nhiều ý nghĩa. Đó cũng sẽ là năm Đảng ta tổ chức Đại hội lần thứ XI. Chưa có giai đoạn nào Đảng ta lại tập trung thời gian và trí tuệ cho việc tổng kết thực tiễn, đánh giá lý luận nhằm bổ sung lý luận một cách kỹ càng, khoa học, cầu thị như giai đoạn này. Hàng loạt cuộc hội thảo khoa học, toạ đàm, trao đổi chuyên đề lý luận được tổ chức, thu hút trí tuệ, tâm huyết của nhiều nhà khoa học, nhà lý luận hàng đầu của đất nước…

Những vấn đề mấu chốt của lý luận, như vấn đề thời đại, thời kỳ quá độ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề giai cấp, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất… được đặt ra một cách thẳng thắn, nghiêm túc. Nhiều đoàn công tác của Đảng đi về cơ sở, quan sát mô hình, lắng nghe ý kiến nhân dân, lắng nghe những kiến nghị từ cuộc sống, giải đáp những vấn đề cuộc sống đặt ra. Chiều sâu của lý luận chính là nhìn nhận thực tiễn thấu đáo để giải đáp kịp thời, cặn kẽ những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn năng lực của toàn xã hội, tạo nên nguồn năng lượng mới để hội tụ và bứt phá.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của khoa học, trí tuệ; lịch sử của Đảng cũng là lịch sử của quá trình đổi mới, quá trình kế thừa và phát triển lý luận để đổi mới. Tổng kết, sàng lọc từ thực tiễn để đúc kết kinh nghiệm, bổ sung lý luận. Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu và trông lại chính mình để hiểu mình hơn, biết mình ở đâu để định hướng bước đường tương lai sáng rõ hơn…

Đổi mới của Đảng ta hoàn toàn khác với xét lại cực đoan, phủ nhận toàn bộ quá khứ; hoàn toàn khác với lối giáo điều, kinh viện, bảo thủ, trì trệ. Đổi mới theo yêu cầu thực tiễn, yêu cầu lịch sử và phù hợp với đặc điểm tình hình đất nước. Mỗi lần đổi mới là mỗi lần lý luận thêm phong phú, gần với đời sống, bớt đi màu xám kinh viện, thêm màu xanh thực tiễn và hơi thở cuộc sống xanh tươi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên