Đóng phí đi đường kẹt xe: Xin đừng “đùa ác”
Khi bắt đầu dự án, ai cũng nói người dân sẽ hưởng lợi, nhưng bắt dân đóng tiền đi đường ùn tắc và nguy hiểm lại là vô lý.
Giải quyết vấn đề giao thông ở nước ta luôn là bài toán khó. Giải bài toán giao thông, đương nhiên không chỉ mình Nhà nước có thể làm được, mà phải có sự chung tay, nhất là doanh nghiệp, thậm chí cả sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Ở góc độ người dân, ngoài thực hiện nghĩa vụ qua đóng thuế, họ sẵn sàng chi cho các khoản phí để được hưởng dịch vụ đi lại thuận tiện, an toàn. Nhưng có vẻ như họ luôn rơi vào tình trạng bị động mà đáng lẽ ra, với vai trò là người tiêu thụ, họ hoàn toàn được quyền quyết định.
Câu chuyện thu phí tại Bình Triệu 1 (TP HCM) thu hút dư luận mấy ngày qua một lần nữa cho thấy độ vênh giữa ý nghĩa của dự án và lợi nhuận của nhà đầu tư. Tất nhiên, người thiệt trước tiên ở đây là người dân.
Ùn tắc nghiêm trọng trên cầu Bình Triệu 1 (Ảnh Thanh niên) |
Dù chỉ mới thử nghiệm, nhưng việc dựng trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 đã khiến tình trạng kẹt xe tại khu vực Bình Triệu 1 đến giao lộ Kha Vạng Cân- Quốc lộ 13 thêm trầm trọng. Đây là kết quả “lạ mà không lạ”.
Không lạ vì khu vực này vốn đã là điểm bức xúc về kẹt xe do nằm ở cửa ngõ phía đông của TP HCM, thường xuyên đón luồng xe cộ khổng lồ từ các tỉnh Đông Nam bộ ra vào thành phố. Hơn nữa, tuyến đường sắt Bắc - Nam cắt ngang với khoảng cách từ cầu Bình Triệu 1 chỉ mấy chục mét cũng góp phần gây ùn ứ. Do đó, khi có trạm thu phí, việc ùn tắc thêm nặng nề cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, thông thường, không ai bố trí trạm ngay dưới chân cầu vì sẽ gây nguy hiểm cho giao thông. Việc xe trọng tải lớn phải thường xuyên dừng đậu trên cầu để chờ mua vé sẽ góp phần làm giảm tuổi thọ của cầu.
Tuy nhiên, điều lạ là chủ đầu tư lại khẳng định đây là địa điểm đặt trạm thu phí thích hợp nhất!?
Khoảng cách giữa trạm thu phí đến ngã tư Bình Triệu đoạn giao cắt với đường sắt chỉ khoảng 30 m nên khả năng thoát xe rất thấp, tình trạng kẹt xe khó tránh khỏi. Nhưng một nguyên nhân gây ùn tắc được chủ đầu tư nêu ra là do… tuyến đường sắt, vốn “trơ gan cùng tuế nguyệt” đã rất lâu rồi.
Ngoài ra, cầu Bình Triệu 1 là công trình cũ, xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ không thu phí, đến nay chủ đầu tư chỉ sửa chữa, nâng cấp với số tiền khoảng hơn 80 tỷ đồng, nhưng cũng đặt trạm thu phí thì nghe qua có vẻ chưa công bằng.
Như vậy, người dân nơi đây sẽ được lợi gì khi đi qua cây cầu này khi mà khả năng ùn tắc cao hơn, nguy hiểm hơn và phải mất tiền? Điều này chắc chẳng mấy người dân nào có thể tưởng tượng ra khi dự án khởi công.
Bản chất của hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là nhà nước không có tiền nên huy động vốn tư nhân đầu tư công trình, sau đó doanh nghiệp triển khai thu phí hoàn vốn và một phần lợi nhuận. Nhưng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư dự án nhỏ kiểu trùm lên hạ tầng có sẵn như sửa chữa cầu Bình Triệu 1 rồi thu phí thì rõ ràng chỉ tăng thêm gánh nặng cho dân.
Khi một công trình mới được khởi công, công trình cũ được sửa chữa, gia cố, với người dân luôn là tín hiệu mừng, vì họ nghĩ trong tương lai việc đi lại sẽ thuận tiện hơn, an toàn hơn. Dẫu biết rằng, với doanh nghiệp, việc đầu tư luôn phải tính đến yếu tố hoàn vốn và lợi nhuận. Nhưng xét ở góc độ nào đi chăng nữa, việc bắt dân đóng phí để lưu thông trên đường ùn tắc là điều vô lý. Với người dân, có lẽ họ lại một lần nữa cảm thấy bị “đùa ác”./.