Đồng tâm thực hành tiết kiệm

Mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi một gia đình cần thực hành tiết kiệm một cách triệt để

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có từ năm 2006, là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong chi tiêu công và được hầu như tất cả các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức học tập, triển khai trong công việc thường ngày nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu ổn định trong kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững đà tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động.

Không phải đến bây giờ mà ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao tinh thần tiết kiệm.

Trong thực tiễn phát triển của đất nước ngày nay - một đất nước vừa vươn lên là nước có thu nhập trung bình với biết bao nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân thì đã phải đương đầu với không ít khó khăn trên con đường hội nhập do bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, việc thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi không cần thiết, tăng đầu tư cho phát triển là rất quan trọng.

Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 63 địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội họp vào cuối tháng vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định, trong bối cảnh giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, vấn đề tập trung kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách hiện nay. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này, một trong những yêu cầu của Chính phủ là “các bộ, cơ quan và địa phương chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011”.

Các đối tượng đầu tiên được xác định phải đẩy mạnh tiết giảm chi tiêu mà Nghị quyết của Chính phủ đề cập là các đơn vị thụ hưởng ngân sách và các doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, sẽ tạm dừng trang bị mới xe ôtô, máy điều hoà nhiệt độ, các thiết bị văn phòng chưa thực sự cần thiết; không bố trí kinh phí cho những việc chưa thật sự cấp bách và giảm tối đa chi phí cho hội nghị, hội thảo…

Không chỉ đưa ra như một khẩu hiệu, Chính phủ đã đi đầu trong việc tiết giảm chi tiêu công bằng cách tăng cường tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các địa phương để tiết kiệm chi phí hội họp như đi lại, ăn ở, tránh tiêu tốn thời gian và tiền bạc trong quá trình đi lại… Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát.

Chính phủ cũng khẳng định: việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước… theo tinh thần Nghị quyết không nhằm vào tiền lương của người lao động, các đối tượng chính sách xã hội, các khoản cho sinh viên vay đi học… trái lại, Nhà nước sẽ có biện pháp hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thu nhập thấp khi giá cả thị trường biến động.

Ngoài nhiệm vụ cấp bách của các bộ, ngành trung ương, các địa phương, doanh nghiệp, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi một gia đình cần thực hành tiết kiệm một cách triệt để. Đây cũng là giải pháp để thực hiện chủ trương tiết kiệm của Chính phủ bắt đầu từ những công việc hàng ngày. Nếu tất cả cơ quan hành chính Nhà nước, các doanh nghiệp cũng như mỗi người dân đều đồng tâm thực hành tiết kiệm, tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh, nhất định nền kinh tế của nước ta sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên