Đột phá và niềm tin
Những gì đã đem lại như luồng gió tươi xua đi xú khí, tỏa sức ấm làm hồng lên những niềm tin yêu.
Theo lẽ trời đất, mọi con sông, ngọn suối đều đổ vào biển. Theo nhịp điệu thời gian, hết thảy tháng ngày dồn về cuối năm.
Theo lẽ đời, cả sông suối, cả tháng ngày đều có khúc quanh và ngưng đọng.
Không thể chảy bình lặng theo lẽ thường, con sông tràn bờ, hung dữ đổi dòng, phá đất tạo cửa sông mới, thẳng hơn, mênh mang hơn. Sức mạnh của thiên nhiên là phá cửa. Con người gọi là đột phá khẩu.
Có phải thế không mà các đại biểu của dân chọn dòng chảy thời gian đang lẳng lặng dồn về cuối năm để cất tiếng nói: “đột phá.” Ấy là những câu hỏi như những điệp khúc của đại diện cho dân, của cử tri cả nước chất vấn các thành viên Chính phủ giữa nghị trường Quốc hội. Mà lần này nhằm vào các tân bộ trưởng. Phải chăng là muôn dân đã nung nấu, đang mong chờ cái mới, thật mới cả trong suy nghĩ việc làm và con người?
Không phải ngẫu nhiên mà cử tri và công luận gọi ghế bộ trưởng Giao thông vận tải là “ghế nóng”. Nóng bỏng vì ùn tắc giao thông như cơm bữa, tai nạn giao thông rình rập ngày đêm cướp đi tức tưởi hơn vạn mạng sống trong năm. Nóng sốt vì công trình đã yếu kém lại chậm tiến độ, làm trước, hỏng sau. Bức xúc bởi thất thoát, bán thầu. Buồn lòng và nhức nhối vì người tham gia giao thông coi thường pháp luật, tự đánh mất văn hóa giao thông.
Trong mối bòng bong bức xúc và xói mòn niềm tin ấy, đại biểu quốc hội xoáy vào tân Bộ trưởng Đinh La Thăng hỏi: “Đâu là giải pháp đột phá?” Tân Bộ trưởng cũng bức xúc và khẳng định dứt khoát: “Đột phá về quản lý nhà nước, cần làm ngay, không cần bàn nên hay không nên.”
Giữa vòng xoáy nợ: nợ công, nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp, nợ trong nước, nợ ngoài nước, nợ xấu, nợ khó đòi… nợ dân, giữa vũ điệu điên loạn lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, vàng, tiền, USD, đại biểu của dân chất vấn tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: “chọn đột phá khẩu nào?”. Bộ trưởng không ngần ngại, nói thẳng, cửa mở là “công khai và minh mạch.”
Chỉ mở hai cánh cửa ấy thôi đã thấy gió Xuân ấm áp tràn về.
Nói “đột phá về quản lý” là nói đến vai trò của nhà nước từ trung ương đến địa phương, cơ sở, là bộ máy chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, là những con người cụ thể đứng đầu Chính phủ, các ngành, các bộ, các tỉnh thành, quận huyện, xã phường; là quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý con người…
Rộng lớn thế nên phải hiểu tường tận đâu là nguồn cội làm nên căn bệnh yếu kém trầm kha. Dân nói đã nhiều, công luận đã đưa thành điểm nóng, và mới đây người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã chỉ rõ là do: “tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí, hay lợi ích nhóm chi phối.”
Thẳng thắn, rạch ròi, dũng cảm nhận sai lầm khuyết điểm đã tạo nên sức nóng, củng cố niềm tin xã hội. Biết được, nhận ra “gót chân A sin” là nhìn ra và bước chân vào cửa mở. Thấy được là làm ngay, hành động kịp thời. Nhận ra trong khối bùng nhùng các công trình chậm tiến độ, kém chất lượng là do quản lý, điều hành yếu kém của những người đứng đầu, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đi thị sát hàng loạt “địa chỉ đen”, cách chức, điều động, thay thế các giám đốc ban quản lý từ đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương đến nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Sân bay quốc tế Nội Bài.
Sự thật là có hành động mạnh mẽ, quyết liệt, có khác. Sau hơn hai tháng thay tướng, nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã khánh thành. Các công trình khác đã chuyển biến rõ rệt.
Dẫu chưa thật nhiều, chưa thật bền vững, mọi thành quả đang ở phía trước, nhưng những gì đã đem lại như luồng gió tươi xua đi xú khí, tỏa sức ấm làm hồng lên những niềm tin yêu.
Đối mặt với những sai lầm, khuyết điểm và yếu kém quản lý của những tập đoàn kinh tế, tổng công ty con cưng nhà nước như xăng dầu, điện lực, tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã không ngần ngại phân phui những vấn đề gai góc nhất, cốt lõi nhất, lẩn sâu trong “khoảng tối” vốn gây bức xuc trong dư luận từ lâu là câu chuyện điều hành và minh bạch giá xăng dầu, giá điện.
Giữa những ngày cuối năm, Hà Nội rét căm căm, Tập đoàn Điện lực Việt nam thông báo tăng giá điện 5%. Ấy cũng là lúc Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm tra tài chính tập đoàn này với nhiều “điểm đen” như quản lý yếu kém, đầu tư dàn trải, thua lỗ, nhưng thu nhập lại cao, đặc biệt lương lãnh đạo cao ngất ngưởng.
Bài ca muôn thuở “kinh doanh xăng dầu thua lỗ” mỗi khi tăng giá xăng dầu, nay được Bộ Tài chính nói có sách, mách có chứng và khẳng định: ngành xăng dầu nếu hạch toán đúng thì không hề lỗ.
Lãi thật, lỗ giả, tiền chênh lệch chui vào túi ai?
Một mất mười ngờ. Không thể không công khai. Nói như Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Nếu chúng ta không đảm bảo được sự minh bạch, công khai thì vấn đề điều hành giá khó mà thành công, thậm chí vấn đề lớn hơn là tái cấu trúc cũng khó mà giành được thắng lợi lớn hoặc thắng lợi sớm.”
“Tái cấu trúc” đã thành câu nói cửa miệng từ lãnh đạo cao nhất đến người dân thường. Có nghĩa là niềm tin đã được đặt vào cơ cấu lại mọi việc với cánh cửa mở “ công khai – minh bạch “./.