Dư âm ngày hội toàn dân

Với hơn 62 triệu cử tri tham gia, đây là một kỳ bầu cử qui mô và hoành tráng nhất từ trước tới nay.

Thủ đô Hà Nội sáng 22/5 trời thật đẹp. Trong nắng sớm, những cụ ông đầu bạc trắng, complet chỉnh tề, những cụ bà mặc áo dài đen, tóc vấn cao, họ hẹn nhau có mặt ở các điểm bầu cử từ rất sớm. Phong cách lịch lãm, thái độ trang nghiêm, họ đi bầu cử đúng với cách mà những người Hà Nội xưa đi dự những ngày lễ trọng.

Hình ảnh các vị cao niên vừa đi vừa chuyện trò với nhau trên hè phế Hà Nội hôm nay gợi nhớ về năm 1946, khi cách mạng vừa mới thành công, lần đầu tiên người Việt nam đi bầu ra những người đại diện cho mình để nắm chính quyền. Nỗi xao xuyến, mừng tủi của những người từng nếm trải nỗi nhục mất nước, nay được làm chủ, dường như vẫn được lưu truyền nguyên vẹn đến hôm nay.  

Không chỉ ở Hà Nội, xin dành lời tri ân đối với những bậc cao niên tham gia công tác bầu cử ở khắp mọi miền Tổ quốc. Phần lớn trong số họ là những người đã hết tuổi làm việc, nay về địa phương tham gia công tác mặt trận, đoàn thể, tổ dân phố… Trong những ngày qua, họ là những người vô cùng nhiệt tình, cần mẫn. Họ đi thống kê, phát phiếu cử tri, đến từng nhà vận động nhân dân đi bầu cử đầy đủ, và có mặt ở các địa điểm bỏ phiếu cho đến giờ phút cuối cùng.  Họ, và rất nhiều người khác, đã thầm lặng góp phần làm cho kỳ bầu cử này diễn ra suôn sẻ.  

Thái độ và việc làm của họ toát lên một tinh thần dấn thân rất đẹp, một sự thủy chung với đất nước, với sự nghiệp Cách mạng mà họ và các thế hệ đi trước đã hiến dâng những thàng ngày đẹp nhất của cuộc đời. Họ làm cho các công dân trẻ phải suy nghĩ. Nếu tình yêu ấy, nhiệt huyết ấy được truyền đầy đủ và nguyên vẹn đến thế hệ hôm nay và mai sau thì đó là hồng phúc của Đảng và của dân tộc. 

Với hơn 62 triệu cử tri tham gia, đây là một kỳ bầu cử qui mô và hoành tráng nhất từ trước tới nay. Một đất nước với hơn 86 triệu dân mà có tới 62 triệu người ở tuổi trưởng thành, rõ ràng là một đất nước đang rất sung sức. Một thời kỳ dân số vàng như hiện nay vừa là cơ hội lại vừa là thách thức. Nếu phát huy hết sức mạnh về ý chí, tinh thần và năng lực  lao động sáng tạo của họ, thì đây là nguồn lực rất hữu ích cho sự nghiệp đưa quốc gia dân tộc đến hưng thịnh.  

Khát vọng của họ, suy tư của họ, những bức xúc của họ cần được thấu hiểu và chuyển hóa đầy đủ vào hoạt động của 500 đại biểu Quốc hội và 300.000 đại biểu hội đồng nhân dân các địa phương, sau đây. 

Cuối cùng, cho dù trúng cử hay không trúng cử, qua kỳ bầu cử này, mỗi ứng cử viên đều sẽ tự rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trong đó, có một bài học lớn nhất mà ai cùng cần nằm lòng, đó là phải thực sự tôn trọng nhân dân, thực sự cầu thị, nghiêm khắc tự răn mình phải làm sao để xứng đáng với nhân dân hơn nữa.   

Suy cho cùng, sự nghiệp đổi mới thành hay bại chính là nằm ở vấn đề  gìn giữ, vun đắp và phát huy tinh thần và ý thức công dân trước những công việc hệ trọng của quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên