Du lịch nghỉ lễ: Lại một điểm trừ!
Điểm trừ ấy chính là tình trạng lợi dụng tình thế để bắt chẹt khách hàng, nâng giá dịch vụ một cách vô tội vạ
Sau 4 ngày nghỉ cuối tuần và nghĩ lễ, chúng ta lại trở về với nhịp công việc bình thường. Với nhiều người, kỳ nghỉ dài hiếm hoi này lẽ ra là cơ hội để nghỉ ngơi, thư giãn, thăm thú, du lịch… để giảm stress, làm mới mình, lấy lại sức lực làm việc. Tuy nhiên, trớ trêu thay, đây lại là những ngày căng thẳng, mệt mỏi, bức xúc vì bị “hành” và bị “chặt chém” không thương tiếc.
Tình trạng này năm nào cũng xảy ra, công luận lên tiếng nhiều nhưng cũng chẳng có chuyển biến gì nhiều.
Lướt qua các trang báo mấy ngày nghỉ lễ vừa qua, có một từ được dùng nhiều, đó là “quá tải”. Các điểm du lịch nổi tiếng từ Bắc đến Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu… đâu đâu cũng quá tải khách du lịch. Vì quá tải cho nên hầu hết các dịch vụ như khách sạn - nhà nghỉ, vận tải, trong giữ xe, ăn uống đều hoạt động hết công suất.
Hiện tượng dân ta đi du lịch đông, sức mua dồi dào là một tín hiệu quá mừng, đặc biệt là với ngành dịch vụ - du lịch, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thắt lưng, buộc bụng phòng xa đang là tâm lý xã hội chủ đạo.
Tuy nhiên, với những gì diễn ra mấy ngày qua, du lịch Việt Nam nói chung lại bị một điểm trừ.
Điểm trừ ấy chính là tình trạng lợi dụng tình thế để bắt chẹt khách hàng. Trừ số ít các khu du lịch - khách sạn cao cấp biết quý chữ tín, thường có hợp đồng trước với khách, còn lại, hiện tượng nâng giá phòng khách sạn, nhà nghỉ lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần là phổ biến. Điều này không chỉ diễn ra ở những nơi vốn có “điều tiếng” như Sầm Sơn hay Vũng Tàu, mà cả ở các địa danh du lịch tương đối chuyên nghiệp như Đà Lạt, Huế, Hạ Long…
Không chỉ là giá phòng mà giá các dịch vụ khác như ăn uống, trông giữ xe, phí tham quan… cũng được nâng lên một cách vô tội vạ.
Người tiêu dùng vô cùng bức xúc vì họ phải trả giá quá cao so với giá trị thực của hàng hóa - dịch vụ mà họ mua.
Cách nâng giá như vậy không liên quan gì đến lạm phát. Nó chỉ là sản phẩm của kiểu kinh doanh chụp giật, phản văn hóa, nói nặng hơn là kinh doanh kiểu “ăn cắp”.
Mặc dù chính quyền, các cơ quan chức năng sở tại đã yêu cầu các chủ khách sạn - nhà nghỉ cam kết không tăng giá, khuyến cáo khách hàng phản ánh qua đường dây nóng khi bị “ép” giá, nhũng nhiễu… Tuy nhiên, các biện pháp này chẳng mấy phát huy hiệu quả, bởi đây là hoạt động kinh doanh, dựa trên thỏa thuận. Về phía du khách, cực chẳng đã họ mới yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, còn lại phần đông là cam chịu vì không muốn mất vui trong kỳ nghỉ.
Qua hiện tượng “chặt chém” lặp đi lặp lại phổ biến ở những dịp nghỉ lễ như vừa kể, có thể rút ra mấy nhận xét sau.
Thứ nhất, có lẽ ngành du lịch chưa phát triển kịp so với nhu cầu của cuộc sống ở nhiều phương diện. Lối kinh doanh “chặt chém” chỉ có đất sống khi nhu cầu thì quá lớn mà nguồn cung thì quá hạn chế. Chỉ khi nào “cung” “cầu” tương đương hoặc “cung” lớn hơn “cầu” (ví dụ như ngành viễn thông hiện nay) thì khách hàng mới được trả lại vị trí “thượng đế” của mình.
Thứ hai, qua hiện tượng vừa nêu, người “được” chỉ là cá nhân một số chủ khách sạn, nhà hàng. Tất nhiên cái được này cũng chẳng lâu bền. Còn người mất chính là các địa phương, thành phố thậm chí là cả quốc gia vì hình ảnh tiêu cực về chất lượng dịch vụ du lịch.
Khi thị trường du lịch khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc ngày một rộng mở, cạnh tranh quyết liệt hơn, khi sức mua của người tiêu dùng khá lên, chắc chắn nhiều du khách sẽ quyết định khác.
Và, có một nỗi buồn hay cũng có thể gọi là nỗi mất mát không chỉ các nạn nhân của tệ “chặt chém” cảm thấy, đó là sự suy thoái đạo đức, tính nhân văn trong ứng xử giữa con người với nhau.
Bởi vì, cho dù thế nào, quan hệ kinh doanh - mua bán cũng là quan hệ giữa con người với con người./.