“Dự Luật Nhân quyền Việt Nam” đi ngược lại quan hệ Việt-Mỹ

VOV.VN -Dự luật H.R.1897 đang đi ngược lại sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ.

Trong một hành động nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, ngày 31/7 giờ Mỹ, tức ngày 1/8 giờ Việt Nam, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 mang số hiệu H.R.1897, kêu gọi Chính phủ Mỹ gắn các điều kiện về nhân quyền và dân chủ với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam.

Với những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người và tự do tôn giáo tại Việt Nam, Dự luật H.R.1897 đang đi ngược lại sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. 

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được dư luận đánh giá là thành công tốt đẹp

Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 do Hạ nghị sĩ Chris Smith khởi xướng, trong đó kêu gọi Chính phủ Mỹ ngưng các khoản viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần có những tiến bộ “quan trọng” và “nghiêm túc” trong lĩnh vực nhân quyền, đòi Việt Nam thả những người vi phạm pháp luật mà họ gọi là “tù nhân chính trị” và tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Thậm chí, tác giả của Dự luật trên còn kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo”.

Trước hết, phải nói rằng, so với dự luật này năm 2012, Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm nay không có gì mới. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh văn phòng thường trực nhân quyền của Việt nam cho biết: Những vấn đề trên đã được nêu ra tại cuộc đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ lần thứ 17, diễn ra vào tháng 4 năm nay và phía Việt Nam đã trả lời rõ ràng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn nói: “Trong phiên đối thoại, phía Việt Nam cũng nêu những vấn đề  mà phía Mỹ quan tâm, liên quan đến tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet. Phía Mỹ cho rằng, Việt Nam bắt giữ và xử lý một số công dân là các blogger hay những người đang sử dụng Internet. Và chúng tôi đã phải nói thẳng với họ rằng, Việt Nam xử lý họ vì hành vi của họ. Họ đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để thực hiện hành vi chống đối Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền, xúi giục, lôi kéo người khác, bôi nhọ, xuyên tạc các chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, kêu gọi xuống đường lật đổ Nhà nước Việt Nam”.   

Cuối tháng 6 vừa qua, khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 (H.R. 1897), chính Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương đã thẳng thắn cho rằng, Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 không phản ánh trung thực về tình hình Việt Nam và bị ảnh hưởng bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu thiện chí với Việt Nam. 

Hạ nghị sỹ Faleomavaega nói, là một cựu binh tham chiến tại Việt Nam, ông hiểu cảm xúc của những người Mỹ gốc Việt này, nhưng mưu toan lật đổ chính quyền và đưa ra thông tin sai lệch không phải là hướng đi đúng đắn.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 được Hạ viện Mỹ thông qua chỉ một tuần sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chuyến thăm mà cả phía Mỹ và Việt Nam đều thừa nhận là mang lại kết quả hết sức tích cực.

Ngày 25/7, nguyên thủ hai nước đã chính thức xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Chính các nhà lập pháp Mỹ và giới hoạt động nhân quyền ở nước này đã bình luận rằng, vấn đề nhân quyền chỉ là một món “salad nhẹ” trong bữa tiệc thượng đỉnh Việt-Mỹ ở Nhà Trắng.

Vấn đề nhân quyền sẽ vẫn còn được bàn thảo trong quan hệ Việt- Mỹ nhưng nó không thể cản trở được mối quan hệ này đang đi về phía trước. Trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN thường trú tại Hoa Kỳ về chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Murray Hiebert, Phó Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng: “Triển vọng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất tươi sáng. Hai nước đã mở ra một chương mới và sẽ phải hoàn thành nó. Hai nước đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện và cần xác định những nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực như quân sự, giáo dục, môi trường… Cơ hội đang rất nhiều, nhưng cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều cần có cách tiếp cận tích cực và chủ động để đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất. Tôi rất lạc quan về quan hệ giữa hai nước trong tương lai”.  

Với việc thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013, đây là lần thứ tư Hạ viện Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với một Dự luật do Hạ nghị sĩ Chris Smith đề xướng. Tuy nhiên, cả 3 lần trước vào năm 2004, 2007, và 2012, Luật đều bị Thượng viện Mỹ bác bỏ.

Hy vọng rằng, Thượng viện Mỹ sẽ có cái nhìn khách quan về vấn đề nhân quyền của Việt Nam; rằng, việc áp đặt hay can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam không chỉ vi phạm các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế mà còn đi ngược, làm tổn thương đến lợi ích của hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Về việc Mỹ thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013
Về việc Mỹ thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013

VOV.VN -Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Về việc Mỹ thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013

Về việc Mỹ thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013

VOV.VN -Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không khách quan
Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không khách quan

(VOV) - Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không khách quan

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không khách quan

(VOV) - Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam.