Đừng để sau mỗi đợt rét, nghèo lại thêm nghèo
Vẫn biết thiên tai là khó tránh khỏi nhưng sẽ giảm được thiệt hại nếu ta chủ động phòng tránh.
Chủ động phòng chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại |
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, đã có 3 đợt không khí lạnh tràn xuống miền Bắc nước ta, làm nhiệt độ hạ xuống 8 - 10°C, miền núi có nơi chỉ còn 3 - 4°C và rét tràn cả vào Trung Trung bộ. Những cơn gió lạnh buốt đã thực sự ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất, nhất là nông nghiệp. Dù các chuyên gia khí tượng thủy văn dự báo năm nay ít rét đậm nhưng trước tác động của biến đổi khí hậu và những bài học từ những mùa Đông đã qua cho thấy không thể chủ quan.
Đợt rét đậm rét hại đầu năm 2011 đã làm chết gần 30.000 gia súc và hàng nghìn con gia cầm ở các tỉnh từ miền Trung trở ra. Thiệt hại ước tính lên tới 130 tỷ đồng, không ít hơn thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại kỷ lục dài gần 40 ngày của năm 2008. Nếu như thời điểm cách đây 3 năm có thể đổ do yếu tố thời tiết khách quan thì những mất mát về đàn gia súc, gia cầm trong đợt rét mùa Đông trước hiển hiện rõ sự chủ quan trong công tác phòng chống. Đó là, người nông dân không nghiêm túc thực hiện quy trình quản lý vật nuôi, chăn thả tự do, không chuẩn bị thức ăn vào mùa Đông nên khi nhiệt độ xuống thấp đột ngột hoặc dài ngày khiến trâu, bò bị chết đói, chết rét. Khác với chống bão lũ, chính quyền nhiều địa phương thường có tâm lý chủ quan, coi nhẹ. Thế nên, không quyết liệt đôn đốc, kiểm tra. Hậu quả là nhiều gia đình nông dân cứ sau mỗi đợt rét đậm, rét hại lại thêm khó khăn, thêm nghèo bởi mỗi con trâu, bò, ngựa chết là mất đi cả gia tài lớn.
Vẫn biết thiên tai khó tránh khỏi nhưng sẽ giảm được thiệt hại nếu chúng ta biết cách và chủ động phòng tránh. Ngay từ bây giờ các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống rét cho sản xuất, gia súc, gia cầm như: làm chuồng trại nuôi nhốt, dự trữ nguồn thức ăn như rơm, rạ và bổ sung khoáng chất, tinh bột cho gia súc.
Về lâu dài, chúng ta phải sản xuất, chăn nuôi thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Để làm được việc đó phải có sự nghiên cứu kỹ và huy động sự vào cuộc của các nhà khoa học kết hợp với những kinh nghiệm trong nhân dân. Một vấn đề cũng rất quan trọng là tăng cường hơn nữa việc chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con nông dân, có chính sách hỗ trợ đồng bào vùng cao làm chuồng trại để nuôi nhốt gia súc và trồng cỏ chăn nuôi. Thậm chí cần thiết phải tổ chức ký cam kết bắt buộc các hộ chăn nuôi phải có chuồng trại, có nguồn thức ăn dự trữ và nghiêm cấm chăn thả gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Chỉ hỗ trợ lúa, mạ, gia súc, gia cầm chết rét khi đã tuân thủ các quy trình chống rét chứ không hỗ trợ tràn lan như trước đây…
Một mùa Đông nữa lại về và được dự báo khí hậu sẽ cực đoan hơn do biến đổi khí hậu. Nếu như các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở và mỗi người dân không có sự chuẩn bị chu đáo ứng phó với các đợt rét mới có thể xảy ra luôn phức tạp và khó lường ngay từ lúc này thì thiệt hại lớn về kinh tế sẽ là điều khó tránh khỏi./.