FDI 4 tháng- mừng và lo

Đã đến lúc không chỉ là khơi thông mà còn cần nắn chỉnh các dòng vốn FDI theo đúng quĩ đạo mong muốn, theo đúng chiến lược quốc gia, vì lợi ích tổng thể về cả kinh tế và xã hội

Một trong những tín hiệu vui của kinh tế 4 tháng qua, đó là dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã vào Việt Nam mạnh mẽ hơn cả dự đoán. Xấp xỉ 6 tỷ USD của các nhà đầu tư đã được đăng ký. Cả 3 mặt: vốn đăng ký, cấp mới và giải ngân FDI đều tăng tốc trở lại. Việt Nam lại trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư toàn cầu. Thế nhưng bên cạnh những tín hiệu vui vẫn còn đó những âu lo.

Những con số ấn tượng là cấp phép đăng ký gần 5,92 tỷ USD, giải ngân được 3,6 tỷ USD. Cũng đã có 92 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 325 triệu USD… Tất cả đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái… Dự báo, dòng chảy FDI cũng sẽ tiếp tục tăng thêm từ nay đến cuối năm. Sự trở lại Việt Nam của các nhà đầu tư toàn cầu sau suy thoái kinh tế ngày càng rõ ràng hơn. Liên tiếp những dự báo, đánh giá, phân tích và cả điều tra của các tổ chức đầu tư tài chính uy tín hồi đầu năm đã trở thành hiện thực.

Việt Nam đứng đầu danh sách của các thị trường đang trỗi dậy về niềm tin của giới doanh thương

Tháng 3 vừa qua, Hãng Tư vấn quốc tế danh tiếng A.T. Kearney công bố một nghiên cứu và xếp loại Việt Nam đứng ở vị trí thứ 12 về tiềm năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu năm 2010 với những phân tích về khả năng lợi nhuận cao nếu các nhà đầu tư làm ăn ở Việt Nam trong năm nay.

Trước đó, tháng 2/2010, trong một nghiên cứu của Ngân hàng Hongkong Thượng Hải (HSBC) phát đi toàn cầu đã xếp loại: Việt Nam đứng đầu danh sách của các thị trường đang trỗi dậy về niềm tin của giới doanh thương và HSBC khẳng định, Việt Nam sẽ lại trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Á... Nghiên cứu này được thực hiện ở 8 thị trường châu Á là Hongkong, Ấn độ, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, và Việt Nam.

Cùng với những đánh giá này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế đang lên ở Châu Á với đánh giá khả quan về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Giới quốc tế cùng chung nhận định, trước đây kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phát triển chậm lại sớm hơn các nước khác ở châu Á, và giờ đây, khi kinh tế toàn cầu tạm ổn định, các hoạt động đầu tư và thương mại cũng hồi phục trở lại sớm hơn các nước khác và chính vì thế mà sự tự tin ở thị trường Việt Nam đang ở mức rất cao.

Trong khủng hoảng và suy thoái, giới đầu tư toàn cầu luôn muốn tìm nhiều hơn đến với những điểm đến có độ an toàn cao. Và Việt Nam là một sự lựa chọn với sự hội tụ đầy đủ những yêu cầu đó. Không chỉ các nhà đầu tư Mỹ, Châu Âu, các nhà đầu tư Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản đang hết sức lạc quan về triển vọng làm ăn ở Việt Nam. Kết quả cuộc điều tra mới đây của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, 58% doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh ở Việt Nam mong muốn mở rộng quy mô. Xin nhấn mạnh, con số này cao hơn mức trung bình ở các nước ASEAN, thực sự là một dấu hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong đó có Nhật Bản, vẫn chưa thực sự vượt qua khủng hoảng.

Vui là thế, nhưng vẫn còn đó những âu lo. Nói như Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Phan Hữu Thắng: "chúng ta vẫn phải nỗ lực để tháo các "nút cổ chai" về hạ tầng, nhân lực và tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư”. Đặc biệt, vấn đề cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp tiến độ phát triển đầu tư, ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư. Đây là những vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa cải thiện nhanh được do có liên quan đến điều hành chính sách vĩ mô.

Vẫn còn đó nỗi lo trong việc cân đối hợp lý trong thu hút đầu tư và giám sát thực hiện đầu tư nước ngoài. Đã đến lúc không chỉ là khơi thông mà còn cần nắn chỉnh các dòng vốn FDI theo đúng quĩ đạo mong muốn, theo đúng chiến lược quốc gia, vì lợi ích tổng thể về cả kinh tế và xã hội. Chúng ta có điều kiện, có thể chủ động để nói không với những dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu… Tất nhiên, điều củng cố lúc này là phải cải thiện đựoc năng lực xem xét, thẩm định, giám sát các dự án đầu tư của cơ quan quản lý chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng thu hút FDI.

Vẫn còn đó câu chuyện mỗi năm vẫn tồn tại hàng trăm doanh nghiệp FDI, năm 2009 vừa qua là 700 doanh nghiệp cố tình qua mặt cơ quan thuế để báo cáo lỗ theo kiểu “lãi thật lỗ giả”. Hay câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư tại Việt Nam nhưng thiếu vốn phải huy động vốn trong nước hàng tỷ USD… Lỗ hỏng pháp lý đã thấy nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn kịp thời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên