Ghi nhớ bài học cắt giảm đầu tư công
Bài học từ cắt giảm đầu tư công năm 2008 vẫn còn nóng hổi, khi có tới hơn 3.000 dự án, với khoảng 37.000 tỷ đồng được đề nghị dừng, hoãn, nhưng thực tế việc cắt giảm không được bao nhiêu
Không nằm ngoài dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 3 này đạt mức tăng kỷ lục trong vòng 33 tháng trở lại đây, tăng 2,2% so với tháng 2 - tháng Tết. Mức tăng này trái với quy luật nhiều năm, là CPI thường giảm tốc ở tháng sau Tết. Như vậy, quý I này, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,1% so với tháng 12/2010.
Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011 của Chính phủ chuyển đến các đại biểu Quốc hội khoá XII đang dự kỳ họp thứ 9, đã nêu con số ước tính về chỉ số giá tiêu dùng quý I năm nay tăng khoảng 6,1% so với năm 2010. Những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc CPI tăng mạnh cũng đã được phân tích kỹ lưỡng. Điều mà các đại biểu Quốc hội - đại diện của dân quan tâm hiện nay, là Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát như thế nào để yên dân trong bối cảnh hết sức khó khăn này.
Chúng ta đã thấy được sự quyết liệt của Chính phủ trong việc lập lại trật tự ở thị trường ngoại tệ, vàng. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu định hướng dòng ngoại tệ chảy đúng chỗ, ổn định tỷ giá, giảm kỳ vọng lạm phát, từng bước củng cố niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.
Chúng ta đã thấy được sự quyết liệt của Chính phủ trong việc rà soát, cắt giảm đầu tư công. 11 đoàn kiểm tra của các Bộ, ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn đầu đã nhanh chóng triển khai về các địa phương, làm việc với các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Từ đợt rà soát này, các đoàn kiểm tra kiến nghị 152.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo phân bổ dự toán của Quốc hội sẽ phải bố trí, cân đối lại để giảm bội chi ngân sách từ 5,3% xuống còn dưới 5% GDP. 10% tổng vốn đầu tư tín dụng từ Ngân hàng Phát triển VDB sẽ được cắt giảm; chi thường xuyên cũng phải giảm thêm 10%.
Vấn đề còn lại nằm ở việc thực thi của các cơ quan, bộ ngành. Cắt giảm hàng nghìn tỷ đầu tư không phải là chuyện đơn giản, vì nó động chạm tới lợi ích của nhiều nhóm đối tượng: doanh nghiệp, địa phương và công ăn việc làm, người thụ hưởng dự án… Bài học thất bại trong cắt giảm đầu tư công năm 2008 vẫn còn nóng hổi, khi có tới hơn 3.000 dự án, với khoảng 37.000 tỷ đồng được đề nghị dừng, hoãn, nhưng trên thực tế việc cắt giảm không được bao nhiêu, chi đầu tư phát triển vượt gần 20% dự toán. Lạm phát năm 2008 ở mức cao kỷ lục, tới gần 20%.
Do vậy, cần có định hướng đúng, có chương trình bài bản về cắt giảm đầu tư công, tăng cường những hình thức đầu tư mới, giảm bớt đầu tư công, huy động nguồn vốn đầu tư của xã hội như các dự án công - tư theo hình thức PPP đang được thí điểm hiện nay.
Năm 2011, Chính phủ cùng lúc tiến hành những nhiệm vụ nặng nề trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa thực hiện xoá bỏ bao cấp nhiều mặt hàng đầu vào chiến lược cho nền kinh tế, lại phải có các giải pháp kiềm chế lạm phát, tăng cường an sinh xã hội. Trong những năm trước, đã có những tranh luận về thực hiện mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, hai nhiệm vụ có những mục tiêu trái chiều, vấn đề tăng trưởng kinh tế dường như đã được ưu tiên hơn. Chính do những thúc ép về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nên nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát không được thực thi hiệu quả.
Đối mặt với lạm phát cao năm nay, đã có những định hướng quan trọng. Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 nêu bật quan điểm: Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá bị ràng buộc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kể hoạch 5 năm.
“Không quá câu thúc bởi mục tiêu tăng trưởng…” - Chủ trương kịp thời của Bộ Chính trị định hướng điều hành của Chính phủ, cùng toàn bộ hoạt động kinh tế của đất nước, sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn, ưu tiên tập trung cho việc kiềm chế lạm phát cao, có như vậy mới ổn định được kinh tế vĩ mô, tăng cường an sinh xã hội, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững.
Đánh giá của những định chế tài chính có uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), qua báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa công bố, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2011 sẽ ở mức 6,3% và chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,5%. WB cho rằng, với điều chỉnh ngân sách 2011 và Nghị quyết 11 vừa được ban hành, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm tiếp tục củng cố các tài khoản tài chính và dần dần giảm bớt thâm hụt ngân sách đến mức trước khủng hoảng, lạm phát cơ bản sẽ giảm dần.
Người ngoài nhìn chúng ta với góc nhìn lạc quan trên những cơ sở như vậy, thì những người trong cuộc, chẳng lý gì lại không lạc quan, cùng chung tay đồng lòng thực hiện mục tiêu đã định!./.