Giá của giọt máu cứu người

Giọt máu họ cho đi, tâm đức, nghĩa cử của họ hàng giây hàng phút chảy trong huyết mạch, trong trái tim của những người nhận

Từ năm 2005, ngày 14/6 hàng năm được chọn làm Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu. Nếu biết rằng máu quan trọng ra sao đối với sự sống của mỗi người và của mọi người, thì mới biết những người hiến máu đáng được tôn vinh như thế nào. Y học hiện đại dựa trên rất nhiều thành tựu khoa học và phát kiến vĩ đại của loài người, nhưng chưa nơi nào, chưa có cỗ máy nào sản xuất được máu. Máu gắn liền với sự sống của con người. Máu chỉ có thể lấy được từ những người khoẻ mạnh, và không ai có quyền lấy đi nếu như họ không tự nguyện sẻ chia, hiến tặng.

Nhìn về lịch sử ngành y, có thể nói rằng không có máu thì không có y học hiện đại. Hàng ngàn năm trước, ông tổ của nền y học hiện đại là Hippocrate coi máu là 1 trong 4 thể dịch cấu thành cơ thể con người. Khi cần sẽ phải trích bớt máu đi nhằm lập lại sự cân bằng có lợi cho sức khoẻ. Thuyết thể dịch của Hippocrate phát huy tác dụng đến tận thế kỷ 19. Sau đó, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, trong cấp cứu và điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, máu được coi như dược phẩm đặc biệt và vô giá. Cho đến thế kỷ 21 này, nếu không nhờ hàng chục triệu người hiến máu trên toàn cầu, trong đó nhiều người hiến máu lặp lại nhiều lần, thì nền y học hiện đại sẽ dẫm chân tại chỗ. Bởi vì, không có máu thì không thể có những kĩ thuật cao trong điều trị liên quan đến các bệnh về máu, ung thư, thận nhân tạo, ghép tạng…

Y học ngày nay cũng chứng minh được rằng, hiến máu, nhất là hiến máu nhắc lại nhiều lần không hề có hại. Bởi vì chỉ từ 3 đến 5 ngày sau, cơ thể con người đã sản xuất ra đủ bù đắp lượng máu cho đi, với các thành phần trong máu được trẻ hóa, tăng sức đề kháng bệnh tật và làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Hiến máu cũng có lợi cho những người có quá nhiều hồng cầu, quá nhiều sắt hoặc trong một số điều kiện đặc biệt máu quá đặc. Trong những trường hợp này, lấy bớt máu đi là một chỉ định điều trị.

Thế nhưng “máu chảy ruột mềm”, nên không phải ai cũng đủ điều kiện về thể chất để hiến máu. Và không phải ai đủ điều kiện cũng sẵn sàng hiến máu. Vì thế càng thấy giọt máu cứu người là vô giá. Những người cho máu lấy tiền cũng xứng đáng được tôn vinh. Những người hiến máu tình nguyện còn cao đẹp hơn nữa.

Tổ chức Y tế Thế giới thống kê từ 173 quốc gia cho thấy, năm ngoái, tổng lượng máu tiếp nhận được là khoảng 93 triệu đơn vị ( 4 đơn vị tương đương 1 lít ). Phần nhiều trong số này là được những người tình nguyện hiến tặng, còn lại là từ người nhà bệnh nhân và từ những người cho máu lấy tiền. Ở nước ta, năm ngoái thu được 675.000 đơn vị máu. Tỉ lệ tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện là 84%. Tuy nhiên, lượng máu thu được vẫn tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có đông dân cư, và trên tổng thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi vì theo tính toán, để đảm bảo an toàn điều trị cần có 2% dân số hiến máu, trong khi tỉ lệ này hiện nay ở nước ta mới là 0,78%.

Cuộc sống của mỗi người, của cộng đồng, của toàn xã hội, vì thế đã, đang và còn tiếp tục cần thêm nhiều người hiến máu. “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Những nguời hiến máu xứng đáng được mọi người trân trọng, tôn vinh, không chỉ vào ngày này hàng năm. Giọt máu họ cho đi, tâm đức, nghĩa cử của họ hàng giây hàng phút chảy trong huyết mạch, trong trái tim của những người nhận, làm cho cuộc sống có thêm nhiều giá trị, nhiều ý nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ của vật chất và thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên