Gia đình - Nơi khởi nguồn giá trị cao đẹp của con người

Khi con người trưởng thành, ra xã hội, nhiều giá trị tốt đẹp khác như trí, tín, trung, dũng, liêm... cũng phải lấy gia đình để soi rọi và mài giũa cho sáng hơn.

Sự nghiệt ngã của kinh tế thị trường cùng những rơi rớt của tư tưởng cổ hủ, lạc hậu vẫn đe doạ nhiều gia đình, nếu như từng thành viên không vững vàng, tỉnh táo để chèo chống, giữ vững cái nôi sinh ra, nuôi dưỡng mình và những người thân yêu nhất. Không ít gia đình chao đảo, tan vỡ vì mỗi người trong đó không thấy hết giá trị của gia đình, hoặc có thấy nhưng lúc này lúc khác đã đưa nó xuống hàng thứ yếu.

Xuất phát từ tình yêu thương, gia đình là nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp của con người như hiếu, nghĩa, nhân... Khi con người trưởng thành ra xã hội, nhiều giá trị tốt đẹp khác như trí, tín, trung, dũng, liêm... cũng phải lấy gia đình để soi rọi và mài giũa cho sáng hơn.

Hầu hết những người thành đạt trong cuộc sống, có vị trí vững bền trong xã hội đều có gia đình êm ấm, hạnh phúc. Ngược lại, những người gặp thất bại trong công việc thường có gia đình bất ổn, hoặc vào thời điểm nhất định có sự chênh vênh, hẫng hụt.

Những cuộc điều tra, nghiên cứu mới đây còn cho thấy, đa số tội phạm có xuất phát điểm từ khi họ bị văng ra khỏi gia đình, có thể do gia đình tan vỡ, nhưng có thể do chính họ tự tách mình ra. Rồi những sự việc đau lòng khác như con cái ngược đãi cha mẹ, anh chị em đánh giết lẫn nhau, hay vợ chồng “ăn chả ăn nem”, mẹ bỏ con sơ sinh ở bệnh viện... tất cả đều có nguyên nhân tương tự.

Có quan điểm nhìn nhận nguyên nhân từ sự tác động của xã hội, nhưng rõ ràng trong môi trường chung ấy, đa số gia đình vẫn giữ được nếp nhà, không dễ dàng bị hoà tan hay tự đánh mất mình. Đương nhiên trong cuộc sống gia đình hằng ngày khó mà tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột. Cơm áo gạo tiền, trách nhiệm xã hội và bổn phận làm cha mẹ, làm con, không phải lúc nào cũng có thể lo chu toàn. Rồi còn nhiều nhu cầu khác nữa. Cho dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng nhìn chung khi xử lí, điều hoà các mối quan hệ cần có sự chủ động, tích cực từ mọi phía. Trong quan hệ vợ chồng là nhận thức “của chồng công vợ”, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, ăn ở thuỷ chung và phát huy sức mạnh của gia đình. Trong quan hệ giữa ông bà, cha mẹ và con cái là bổn phận “thờ mẹ, kính cha”, nghĩa vụ trách nhiệm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Còn trong quan hệ giữa anh chị em là “trên kính dưới nhường”, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Về môi trường xã hội, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm gắn các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục với chiến lược phát triển con người và xây dựng gia đình văn hoá. Đặc biệt từ khi đổi mới đến nay, mỗi gia đình được coi như một đơn vị kinh tế, được quan tâm nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần. Nhà nước cố gắng tạo cho từng gia đình có điều kiện vật chất tối thiểu; tổ chức tốt các dịch vụ xã hội đảm bảo cho người cao tuổi có điều kiện sống khoẻ, sống có ích, phụ nữ có thời gian tham gia hoạt động xã hội, giáo dục con cái; các thành viên trong gia đình chăm sóc tốt người cao tuổi; trẻ em có điều kiện học hành và vui chơi tốt hơn...

Nhà nước cũng thông qua các thiết chế và luật pháp để ngăn chặn lối sống sa đoạ, lệch lạc, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, văn hoá phẩm độc hại xâm nhập vào gia đình, hướng dẫn tiêu dùng và hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần tốt đẹp, phù hợp với đạo lí, truyền thống của dân tộc.

Vấn đề là mỗi gia đình và từng thành viên trong gia đình cần nỗ lực không ngừng để tạo dựng và gìn giữ những giá trị vốn có như hiếu, nghĩa,... phát triển các giá trị đó cân bằng với cộng đồng, xã hội mà vẫn không đánh mất mình. Đành rằng, chữ Trung, chữ Hiếu khó vẹn cả đôi đường, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã viết: “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn sáng mắt mẹ cha không thờ”.

Đáng tiếc là hiện nay có không ít người trong xã hội thì thành đạt, nhưng lại quên trách nhiệm phụng dưỡng chính những người sinh thành ra và nuôi dưỡng mình, hoặc coi đó là công việc thứ yếu. Thời cổ, những người này phải bị cộng đồng lên án, bị xử phạt theo lệ làng, phép nước. Bộ luật Hồng Đức (thế kỉ 15) và Bộ luật Gia Long (thế kỉ 19) đều qui định bất hiếu là tội hình sự.

Thời nay, luật pháp Nhà nước qui định những trường hợp như thế phải lấy giáo dục làm chính, giúp họ tự khắc phục khuyết điểm trong cuộc sống gia đình. Không giáo dục được mới xử lí bằng luật pháp, trường hợp nghiêm trọng mới xử lí hình sự. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta rất đề cao vai trò của gia đình, vì đó chính là nơi khởi nguồn và nuôi dưỡng những giá trị đạo đức cao đẹp của con người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên