Giá giảm - Một mừng, hai lo
Bên cạnh tín hiệu vui về giá có phần giảm, vẫn còn đó nhiều nỗi lo trong cuộc chiến chống tăng giá
Gần 10 ngày nay, ở Hà Nội các bà nội trợ cảm thấy nhẹ lòng hơn mỗi khi đi chợ vì giá cả đã chững hoặc giảm chứ không còn tăng chóng mặt như trước. Đó là tín hiệu vui đầu tiên cho những nỗ lực trong việc kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát của toàn xã hội. Tuy nhiên, việc nhận diện lạm phát cao và dai dẳng ở nước ta, ngoài nguyên nhân của yếu tố tiền tệ, còn đó nỗi lo về chuỗi cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Giá nhiều hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm chững lại và có phần giảm cho thấy, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nỗ lực kiềm chế giá của từng bộ, ngành, địa phương đã góp phần “chuyển động thị trường - giá cả”.
Xét về nguyên lý kinh tế thị trường, giá cả được quyết định trên cân đối cung - cầu. Việc tiết kiệm hơn trong chi tiêu của đại đa số người dân, quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng đẩy giá bất hợp lý, sự nỗ lực trong việc cân đối cung - cầu của nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm... đã góp phần làm cho "cung" bắt đầu đáp ứng "cầu", thậm chí có dấu hiệu vượt cầu, khiến giá cả dừng tăng và có xu hướng giảm.
Nhận định của không ít chuyên gia cho rằng, xu hướng giảm giá có thể thấy rõ rệt hơn kể từ tháng 6 tới.
Song, bên cạnh tín hiệu vui, lạm phát kéo dài trong thời gian qua cũng lộ diện những hạn chế trong chuỗi sản xuất - phân phối. Nói một cách hình ảnh thì “ma sát” của chuỗi sản xuất - phân phối này là “thủ phạm” khiến chống lạm phát vốn khó khăn còn khó khăn hơn.
Một ví dụ minh chứng: Vận chuyển 1 kg tôm từ Thái Bình về Hà Nội mất đến 3 giờ, trong khi ở nhiều nước cũng quãng đường ấy chỉ mất chừng nửa giờ. Hay mua bắp cải ngay tại ruộng chỉ 2.000 đ/kg nhưng về đến chợ đầu mối đã lên đến 8.000 đ/kg. Hoặc câu chuyện đang hết sức thời sự hiện nay là, giá đường hiện giao tại nhà máy chỉ có 17.000 đ/kg, nhưng về tới chợ thì đã vượt lên 24.000- 25.000 đ/kg…
Dẫn ra những ví dụ như trên để thấy 2 cái lo. Một là, hạ tầng thương mại của chúng ta đang quá yếu. Hai là, tính công khai, minh bạch trong mua bán hàng hóa đang đẩy người sản xuất vào thế bị ép, còn người tiêu dùng thì bị thiệt.
Đã không ít chuyên gia đưa ra nhận định có lý, đó là trong bối cảnh lạm phát, thì khâu phân khối yếu, thậm chí bị chia cắt, đứt đoạn, tạo điều kiện cho các đầu nậu thao túng giá nhiều mặt hàng. Như vậy, việc bình ổn cung - cầu hàng hóa đang thiếu một “nhạc trưởng” chỉ huy thực sự.
Giá sữa tăng cao hết năm này qua năm khác, cơ quan quản lý thì gần như “bó tay”, giá gas từ đầu năm đến nay tăng 4-5 lần… cũng không thấy cơ quan nào can thiệp, giá trông giữ xe tăng đều đều cũng thấy ít người nhắc nhở...
Trong báo cáo của không ít bộ, ngành, địa phương luôn có những câu nhấn mạnh “cần”; “cân đối cung - cầu hàng hóa”. Nhưng một câu hỏi được đặt ra không dễ có lời giải là: Ai cân đối cung - cầu, cân đối bằng tiền vốn ở đâu và bán ở địa chỉ nào?…
Trước mắt vẫn phải thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do giá cả đầu vào tăng. Thực hiện tốt hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Về lâu dài, cần nhanh chóng xây dựng đề án qui hoạch phát triến sản xuất hàng hóa trong 5 năm tới, đồng thời trình Chính phủ xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất trong nước… ( Ông Vũ Huy Hoàng -Bộ trưởng Bộ Công thương) |
Về nguyên lý, hàng ít không thể “bình” hay “ổn” thị trường một cách dài lâu và hiệu quả. Thực tế của nhiều năm trước cho thấy, việc lập lại trật tự về giá không thể giải quyết được nếu không lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, giá cả áp đảo giá cả. Câu chuyện bia chai Vạn Lực của Trung Quốc có thời làm mưa làm gió ở thị trường phía Bắc, ai cũng lo, thế nhưng khi bia Việt áp đảo bia Vạn Lực cả về chất lượng, số lượng, giá cả thì loại bia này không còn đất sống.
Chống lạm phát còn cái lo nữa đó là câu chuyện tiêu tiền của một bộ phận người giàu. Họ dễ dàng mua xe triệu đô, đi chợ không cần mặc cả, mua hàng theo kiểu “phá giá”, góp phần tạo nên một mặt bằng giá mới. Trong khi đó, giá là phạm trù tổng hợp và phức tạp, là mối quan hệ chằng chịt. Ông bà ta có câu: “Nước lên thuyền cũng lên”, người mua và cả người bán cũng dễ dàng chấp nhận một mặt bằng giá mới, với tâm lý giá cả đang lên khiến cho việc kiểm soát giá càng khó...
Rõ ràng, bên cạnh tín hiệu vui về giá có phần giảm, còn nhiều nỗi lo trong cuộc chiến chống tăng giá. Tại Hội nghị hàng năm Ngân hàng Phát triển châu Á lần thứ 44 vừa diễn ra tại Hà Nội, không ít các học giả, chuyên gia hàng đầu đã khuyến cáo, Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất để tránh mắc bẫy “thu nhập trung bình” và lạm phát dai dẳng./.