Giá sữa phi mã và trách nhiệm cầm cương

Nghịch lý về giá sữa trên trời ở thị trường Việt Nam đã được cảnh báo từ vài năm nay. Thế nhưng, cơ quan quản lý lại gần như bất lực trước tình trạng giá sữa liên tục tăng.

Giá sữa trên thị trường tháng này lại được các hãng sữa lách luật để tiếp tục tăng. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc nhở về tình trạng lộn xộn của giá sữa và yêu cầu Bộ Công thương điều tra kỹ và có biện pháp quản lý. Điều này cho thấy, đã đến lúc không để tình trạng này tiếp diễn.

Ba năm với 16 lần điều chỉnh tăng giá, các công ty sữa ngang nhiên bất chấp sự phẫn nộ của người tiêu dùng trong nước. Thử hình dung thế này, để mua sữa cho con hay sữa cho người già- những đối tượng sử dụng sữa chính, phần tài chính dành cho mua sữa đã chiếm khoảng 1/3 tổng thu nhập hàng tháng của một gia đình. Thật sự vô lý khi Việt Nam là một trong những nước nghèo nhưng người dân lại phải mua sữa với giá cao nhất thế giới!

Đã có những số liệu về kinh doanh sữa ở Việt Nam được công bố khiến cả người dân và cơ quan quản lý phải sửng sốt. Thông tin đáng tin cậy từ tham tán thương mại Việt Nam từ nước ngoài gửi về cho thấy, giá sữa bột nhập khẩu tại Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tất cả sản phẩm của các hãng sữa lớn trên thị trường Việt Nam đều đắt hơn các nước trong khu vực từ 20% đến 60%, thậm chí tới 70%.

Còn về lợi nhuận? Các hãng sữa nước ngoài đang có lãi siêu lợi nhuận trung bình từ 18 -80%. Hàng nghìn tỷ đồng của người tiêu dùng trong nước đã bị móc túi mà không làm thế nào được. Cũng có lúc, người ta phát hiện các hãng sữa “làm giá “ ở thị trường nước ngoài trước khi đưa vào Việt Nam, các hãng sữa chi cho quảng cáo quá lớn, bắt tay nhau để liên tục tạo mặt bằng giá mới, các hãng sữa có biểu hiện gian lận… nhưng cuối cùng thì các cơ quan quản lý không hiểu vì lý do gì đã không tìm kiếm bằng chứng xử lý các hãng sữa!?

Câu hỏi đặt ra là quản lý giá sữa bằng cách nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý? Cho đến giờ, người tiêu dùng vẫn chẳng biết Bộ nào là đầu mối quản lý giá sữa. Chỉ đối với mặt hàng sữa thôi thì có đến 4 bộ liên quan cùng thực hiện chức năng quản lý là: Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cả Khoa học và Công nghệ. Sự lúng túng của cơ quan quản lý thấy quá rõ nhưng chẳng được khắc phục.

Tâm điểm về biện pháp quản lý giá sữa, người ta đang chờ đợi vào sự ban hành thông tư mới sửa đổi Thông tư 104 của Bộ Tài chính với những qui định mới để điều chỉnh hành vi tăng giá của các hãng sữa. Dự kiến là tháng 3, rồi tháng 7 của năm nay sẽ được ban hành, thế nhưng đã sang tháng 8, Thông tư này vẫn là văn bản trên giấy, chưa được ban hành.

Nhìn một cách tổng thể về sự việc này thì rõ ràng, quản lý giá sữa không thể chỉ trông chờ vào thông tư mới. Xét về mặt pháp lý, chúng ta đã có khá nhiều công cụ quản lý nhưng lại không được vận dụng. Giá sữa tăng vô lý hoàn toàn có thể vận dụng Luật Cạnh tranh để điều chỉnh. Chuyện 19 doanh nghiệp bảo hiểm liên kết để trục lợi người tiêu dùng vừa bị xử lý chính là một minh chứng cho thấy, việc tăng giá sữa có thể bị tuýt còi, các hãng sữa có thể bị xử phạt tương tự khi thế nếu áp dụng luật Luật Cạnh tranh. Thêm nữa, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoàn toàn có thể điều chỉnh hành vi cấu kết, nâng giá và thao túng giá cả trên thị trường cũng như tung ra sản phẩm kém chất lượng của các hãng sữa, nhưng chúng ta cũng quên không áp dụng.

Đã đến lúc ứng xử với giá sữa bằng biện pháp hành chính không phải là thượng sách. Cơ quan quản lý cần có biện pháp cứng rắn. Có thể tính đến chuyện khống chế lợi nhuận của các hãng sữa ở Việt Nam không được quá 20%, khống chế chi phí quảng cáo, có thể thực hiện áp giá trần, hay khung giá đối với mặt hàng sữa… Thậm chí có thể tính đến chuyện nếu các hãng sữa tăng giá bừa bãi sẽ kiên quyết rút giấy phép kinh doanh...

Đã có lúc cơ quan quản lý đặt vấn đề: nếu quản lý giá sữa chặt quá sợ vi phạm các điều khoản WTO hay các qui định hội nhập mà chúng ta đã ký kết. Thế nhưng lại có một cách đặt vấn đề khác: tại sao các nước trong khu vực và thế giới cũng hội nhập như chúng ta, nhưng họ lại quản lý được giá sữa mà không hề vi phạm? Câu trả lời dành cho cơ quan quản lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên