Giáo dục phải có chuẩn mực

Để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo cần xác định chuẩn mực và thực hiện đúng chuẩn mực.

Năm học 2011 - 2012 là năm đầu tiên toàn ngành giáo dục đào tạo thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng với mục tiêu “đổi mới căn bản và toàn diện” theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, gần đây ngành giáo dục đào tạo khá lúng túng trong việc xác định hướng đi và điều hành thực tiễn, bởi vì có chuẩn mực đấy nhưng mỗi người hiểu một cách, làm một cách.

Tháng 9 hàng năm là tháng tựu trường. Hàng chục triệu học sinh mầm non, tiểu học và phổ thông các cấp háo hức đến trường sau kỳ nghỉ hè, trong đó có hàng triệu em lần đầu tiên tới lớp. Cùng với đó là hàng triệu sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề chuẩn bị bước vào năm học mới. Mỗi học sinh đến trường, dù là trẻ mầm non hay sinh viên đại học đều có người thân, bạn bè dõi theo bước chân các em. Đón chào các em trong những ngày hội tựu trường còn có hàng triệu thầy giáo cô giáo, là những người ươm mầm kiến thức làm người và chuẩn bị hành trang cho các em đến những bến bờ tương lai rộng mở.   

Việc dạy và việc học là nhu cầu của mọi người. Nhưng do nhiều lý do khác nhau mà việc đáp ứng nhu cầu ấy lúc này lúc khác, nơi này nơi khác không tuân theo chuẩn mực chung cần có. Đó là những tiêu cực, biến tướng trong việc các trường đại học, cao đẳng tìm mọi cách để thu hút đủ sĩ số mở lớp - mở ngành - mở trường. Đành rằng ai cũng có nhu cầu đi học, nhưng tìm mọi cách vận dụng để người thi 3 môn được 8 điểm cũng đỗ đại học thì đúng là không còn chuẩn mực nào cả. Lợi trước mắt chưa thấy đâu mà đã thấy cái hại lâu dài ảnh hưởng tới nhiều thế hệ.

Đó còn là việc chạy trái tuyến vẫn nóng ở các cấp học từ mầm non đến tiểu học - phổ thông. Đó còn là tình trạng mỗi cấp học thiếu hàng vạn giáo viên nhưng các trường sư phạm lại không thu hút được sinh viên, bởi tốt nghiệp sư phạm khó tìm được việc làm hoặc có việc thì thu nhập thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác. Có thể kể ra nhiều vấn đề bức xúc và bất cập khác như việc giảm tải chương trình tiểu học và phổ thông liệu có trở thành sự cắt xén cơ học hay không; các khoản đóng góp đầu năm học ra sao khi nhiều trường học đã vô hiệu hoá quy định về chống lạm thu; thực hiện xã hội hoá như thế nào để không thương mại hoá giáo dục đào tạo…          

Những bộn bề ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành giáo dục đào tạo. Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, hàng chục năm qua, nhiều chủ trương của Đảng ta đã được thể chế hoá thành luật pháp và chính sách phù hợp. Một số mục tiêu đã được hiện thực hoá bước đầu trên thực tế. Hiện nay, ngành giáo dục đào tạo đang đảm nhận 4 trọng tâm của “chiến lược con người” trong thế kỷ 21. Một là dạy tri thức chuyên sâu, gồm cả trình độ học vấn và trình độ văn hoá để mỗi người đều có khả năng cống hiến. Hai là dạy cách làm việc năng động sáng tạo để mọi người biết tạo ra sản phẩm có chất lượng cao cho xã hội. Ba là dạy cách thích nghi với xã hội hiện đại trong môi trường rộng mở, phức tạp, đa chiều. Và cuối cùng là dạy mọi người chung sống trong đối thoại và hoà bình, biết cách hội nhập mà không đánh mất bản sắc riêng.

Trong thư gửi học sinh sinh viên, thầy giáo cô giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ: “Cùng với sự góp sức của toàn xã hội, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học; đẩy mạnh thi đua dạy tốt - học tốt; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội”.                           

Đó là những chuẩn mực phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Chuẩn mực từ mục tiêu và cách thức thực hiện, cho đến trách nhiệm và sự huy động lực lượng kết hợp hướng tới mục tiêu của giáo dục đào tạo. Vấn đề là khi đã xác định rõ chuẩn mực thì phải có sự tuân thủ chung và đảm bảo tính ổn định tương đối, không thể nơi làm kiểu này nơi làm kiểu khác, cũng không nên làm giữa chừng đã vội đổi thay.                                   

Cùng với trách nhiệm hàng đầu của ngành giáo dục đào tạo, chúng ta cần tăng mạnh ngân sách cho lĩnh vực này, đồng thời có chính sách thu hút nhân tài vào ngành sư phạm, tăng thu nhập cho giáo viên, đảm bảo nghề giáo là nghề cao quý và có thu nhập cao trong xã hội.

Nước Việt Nam ta đang trên đà hội nhập khu vực và quốc tế, thu nhập xã hội tăng nhanh, đó chính là nền tảng vững chắc để Nhà nước, xã hội và từng gia đình đầu tư tương xứng cho giáo dục đào tạo. Có như thế nghề dạy chữ - dạy người mới đạt được mục tiêu “chuẩn hoá, hiện đại hoá”, và những người được xã hội gọi bằng “thầy” mới khẳng định được đúng vị trí của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên