Giáo dục Việt Nam: Từ cánh cổng đổ đến vụ Đồi Ngô
Cây bút ở đây là bút quay video. Cùng với cổng trường, hai hiện vật vô tri vô giác này bỗng có sức hút đặc biệt dư luận vì cùng lúc phơi bày hai thực trạng giáo dục nhức nhối xã hội lâu nay: nhập học và thi cử.
- Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước đạt 97,63%
- Vụ tiêu cực thi cử ở Bắc Giang: Không hủy kết quả thi của thí sinh quay clip
Hàng trăm phụ huynh, có cả bậc ông bà là cựu binh chỉnh tề quân phục đầy Huy chương chiến công, phờ phạc xếp hàng suốt đêm dưới mưa để rồi đến giờ xông lên chen lấn thục mạng, đạp đổ cả cổng trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1.
Phải mất cả lòng tự trọng để mong mở một con đường cho con cháu vào một ngôi trường mà ở đó cũng chỉ mới đang là THỰC NGHIỆM. Khi nguyện vọng xin cho con cháu vào ngôi trường này cũng chỉ là: Trường có chương trình học phù hợp, có những tiết ngoại khóa bổ ích, không phải học thêm, sân trường rộng rãi… thì quả thực nhu cầu bức bách về đổi mới giáo dục đã lên đến đỉnh điểm.
Chuyện đạp đổ cổng trường chưa nguôi ngoai thì dư luận lại dậy sóng về vụ thi cử tại trường THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang). Bộ GD-ĐT vừa họp báo công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra “nghiêm túc và an toàn… tuyệt đối”, thì hình ảnh tiêu cực tại kỳ thi ở Đồi Ngô được tung lên internet, trở thành một minh chứng không thể chối cãi về việc lộ đề thi…
Vụ quay clip tại trường Dân lập Đồi Ngô gây xôn xao dự luận gần đây |
Đề thi là bí mật quốc gia. Vụ tiêu cực đã có dấu hiệu hình sự. Dư luận cho rằng, đây không phải là vụ tiêu cực duy nhất của kỳ thi năm nay. Chính vì vậy mà dư luận đặc biệt quan tâm tới thái độ và cách xử lý của Bộ GD-ĐT.
Một trong những ý kiến tâm huyết là của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên &Nhi đồng của Quốc hội: “Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc tiêu cực này để làm gương cho cả nước. Đó mới là việc cần làm lúc này.”
Đáp lại, tới cả tuần sau, Bộ GD-ĐT mới đưa ra được một bản thông báo… không có gì mới, chỉ nhắc lại những sự việc đã rành rành trong clip: “Một số cán bộ nhà trường và hội đồng thi đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế, để thí sinh quay cóp, nhìn bài của nhau và có dấu hiệu giải bài từ ngoài đưa vào..”
Bản thông báo do Trưởng Ban chỉ đạo thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, lại một lần nữa nhấn mạnh: “Về cơ bản kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đúng qui chế”.
Ngay khi Thông báo vừa ra, 12 clip quay cảnh quay cóp trong cả 6 môn thi ở Đồi Ngô nối nhau lên mạng ghi rõ cảnh giáo viên, giám thị giải bài thi, chuyển bài giải đến thi sinh rồi cận cạnh giáo viên đi thu lại phao thi để phi tang… Đến nước này mà vẫn tiếp tục đánh giá kỳ thi nghiêm túc là không trung thực.
Lại nhớ “người đương thời” Đỗ Việt Khoa với vụ tiêu cực thi cử ở Phú Xuyên A; lại nhớ cảnh phòng thi nhốn nháo như họp chợ tại Hội đồng thi Nam Đàn 2, Nghệ An năm 2006; rồi vụ các Sở GD&ĐT ở cụm thi ĐBSCL bắt tay nhau tự ý thay đổi đáp án của Bộ để chấm thi có lợi cho thành tích… Nay là vụ Đồi Ngô cùng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 cao chót vót (Quảng Ngãi và Kiên Giang, 2 tỉnh từng có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất nước, năm nay cũng đạt 98 - 99% )…
Càng thấy, Cuộc vân động “nói không” với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử đã không thành công như mong đợi.
Bộ GD-ĐT đánh giá lại Cuộc vận động “Hai không” thế nào, trách nhiệm ra sao, có phương cách gì để chấm dứt vấn nạn, phòng ngừa hệ luỵ cho tương lai? Trước những câu hỏi căn cốt đó, lại nhớ, khi tìm một từ cần thiết nhất cho nền giáo dục Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã chọn từ “Trung thực”./.
Theo dòng sự kiện Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: Cilp của thí sinh có tác dụng tốt: “Clip giám thị ném ‘phao’ ở Bắc Giang cho thấy khâu quản lý, tổ chức thi của địa phương đặc biệt hội đồng thi đó có vấn đề, đến mức không có kỷ cương, kỷ luật. Từ hội đồng thi cho đến giám thị đã bỏ vai trò của mình. Đối với thí sinh tung clip lên mạng, theo tôi, thí sinh ấy cũng có suy nghĩ không còn lòng tin vào cơ quan chức năng. Vì biết đâu đưa đến cơ quan thanh tra họ không xử lý gì thì sao? Clip của thí sinh đó có tác dụng tốt ở chỗ là làm cho xã hội và ngành giáo dục biết để uốn nắn, đưa vào quỹ đạo và làm căn cứ để kỷ luật”./. Hiệu trưởng Trường PTDL Lương Thế Vinh - PGS Văn Như Cương: Có nhiều điều khó hiểu... “Để lấy 140 cháu mà còn phải thi mới vào được thì tại sao chỉ phát 200 đơn?. Về nguyên tắc, càng nhiều học sinh tham dự càng tốt, sẽ chọn ra được những em xuất sắc nhất. Thi như thế liệu phát ít đơn có tiêu cực gì, khuất tất gì ở đây không? Sao không thoải mái bán hồ sơ trong một tuần? Như thế phụ huynh sẽ không phải xếp hàng, xô cổng. Phụ huynh là khách hàng - họ có quyền lựa chọn sản phẩm giáo dục tốt cho con mình. Điều đáng trách là văn hóa xếp hàng của phụ huynh, trong đó nhiều người là trí thức, thực sự rất khó chấp nhận”./. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Sai phạm làm mất lòng tin “Dù chưa định lượng được sự việc xảy ra ở Bắc Giang có ở một trường hay nhiều trường nhưng nó cho thấy vẫn còn cái áp lực về thành tích quá lớn cho ngành giáo dục. Giáo dục liên quan tới cộng đồng, không chỉ các cháu mà cả bố mẹ các cháu nữa. Nên mối quan tâm của bố mẹ là rất chính đáng. Nhưng chính áp lực thành tích chủ nghĩa dẫn đến sai phạm làm mất lòng tin của người dân. Đây là tình trạng tồn tại lâu nay, bề nổi của áp lực thành tích mà các cháu phải mang theo”./. |