Hà Nội 20 năm sau và 20 năm sau nữa

Vấn đề mà xã hội quan tâm là quản lý việc thực hiện quy hoạch như thế nào cho xứng đáng với tầm vóc của thủ đô?

3 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, thủ đô Hà Nội đã có quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại - đó là những tiêu chí cho việc xây dựng thủ đô trong nhiều thập niên tới. Việc công bố quy hoạch thu hút được sự quan tâm không chỉ của nhân dân thủ đô mà là của đồng bào cả nước.

Không phải không có những lo ngại rằng với tầm nhìn xa như thế Hà Nội sẽ không thấy được những nhu cầu ngắn hạn trước mắt, vì thế quy hoạch chung dài hạn có thể bị phá vỡ. Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào thực tiễn là trong khoảng 20 năm trở lại đây, Hà Nội đã quá lúng túng trong việc giải quyết bài toán về mật độ dân cư, nhà ở, xử lý ách tắc giao thông, úng ngập, rồi nhu cầu điện, nước, rác thải sinh hoạt,… Đụng vào đâu vướng ở đó, co chỗ nọ thiếu chỗ kia. Hầu hết các giải pháp đưa ra đều mang tính cục bộ, nhất thời.

Đã có nhiều đề xuất, dự án như lấy đất công viên xây khách sạn, lấy khu chứng tích lịch sử xây trung tâm thương mại… đã từng bị dư luận phản đối mạnh mẽ  và không thực hiện được. Nhưng cũng đã có không ít quyết định thiếu tính khả thi và tầm nhìn được mang ra thử nghiệm trên thực tế. Ví như việc xây nhà bê-tông cao tầng với mật độ quá dày ở khu vực trung tâm. Hay phố cổ đã hẹp lại xây thêm nhiều con trạch phân luồng xe cộ. Những con đường mở rộng được thì vỉa hè ngày càng hẹp đi, có nơi không còn đủ cho người đi bộ. Đường mới mở chi phí lớn mà rất hiếm đường được thẳng, hai bên đường nhà xây lổn nhổn, có quá nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo… Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chung một lý do là chưa có quy hoạch tổng thể, khoa học.

Mô hình một góc Hà Nội mới (ảnh: Internet)

Chính vì thế, quyết định mở rộng địa giới hành chính đã tạo điều kiện để Hà Nội không lặp lại những sai lầm như trước đây. Và bây giờ Hà Nội đã có quy hoạch chung tổng thể, xứng đáng với tầm vóc mới của thủ đô và sự kỳ vọng của mọi người.

Theo đó, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, kết nối bằng hệ thống đường vành đai và các trục hướng tâm. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh và các thị trấn bằng hành lang xanh. Tổng diện tích hành lang xanh chiếm 70% diện tích tự nhiên. Ngoài tiêu chí xanh, Hà Nội 20 năm sau và 20 năm sau nữa sẽ hiện đại, văn minh với các khu chức năng như nhà ở, giáo dục đào tạo, hệ thống y tế, công trình văn hóa, thể dục thể thao, dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp… Tất cả đã có định hướng cùng với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, phòng chống lũ lụt, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc,... Hà Nội cũng ưu tiên cho việc bảo tồn di tích văn hoá - lịch sử - cách mạng, xây dựng nhà hát, công viên, bảo tàng...

Tuy vậy, vấn đề lớn nhất sau đây là quản lý thực hiện quy hoạch đó như thế nào. Được biết, Thủ tướng sẽ ra quyết định về quản lý qui hoạch, là cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện thống nhất. Sau đó, Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị, qui hoạch phân khu. Trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp quản lý, của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ được phân định rõ ràng đối với từng vấn đề có liên quan.

Về cách thức triển khai, Hà Nội cần sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch chuyên ngành đã triển khai hoặc đang nghiên cứu, phải rà soát để phù hợp với quy hoạch chung, nhất là quy hoạch về phát triển nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn, quy hoạch giao thông, phát triển công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, vùng sinh thái, quy hoạch dân cư... Tiếp theo là xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để mời gọi đầu tư.

Nhưng không nên vì mục đích mời gọi đầu tư mà vội vàng phủ kín diện tích bằng quy hoạch chi tiết. Rút kinh nghiệm trước khi sáp nhập, Hà Nội và Hà Tây cũ có gần 800 đồ án, dự án với quỹ đất gần 6 vạn ha, chiếm tới 70% diện tích đất phát triển đô thị của 20 năm tới. Sau khi rà soát để cho tiếp tục triển khai hoặc điều chỉnh cục bộ vẫn còn gần 600 dự án đang phải nằm chờ. Không lấy quy hoạch sau đè quy hoạch trước, nhưng quy hoạch chi tiết không thể phá vỡ quy hoạch chung.

Cùng với đó, để bộ mặt đô thị không lổn nhổn với những mảng khối đường nét cóp nhặt chắp vá thì trong việc quản lý kiến trúc và xây dựng cần có chế tài chặt chẽ và thực thi một cách nghiêm minh. Về vành đai xanh cũng vậy, nếu không quản lý cứng rắn và nhất quán thì rất có thể, sau mỗi nhiệm kỳ lại có thêm những vườn quả bị mất đi, những khu rừng bị thu hẹp lại, những cái hồ từ Ba Mẫu chỉ còn 1,5 mẫu…

20 năm có thể là dài, nhưng làm tốt việc thực hiện quy hoạch chung đã bộn bề công việc. Hà Nội 20 năm qua là một công trường lớn. Hà Nội 20 năm tới sẽ có thêm nhiều công trường lớn nhỏ, thu hút lượng lao động lớn kéo theo nhiều vấn đề về môi trường, dân sinh, xã hội,... có những thứ khó lượng định trước được.

Do vậy, việc thực hiện quy hoạch phải kiên quyết và nhất quán, nhưng khi cần thiết sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn khách quan. Bởi, suy cho cùng, quy hoạch hay mọi quyết định nào khác đều nhằm mục tiêu chung là vì con người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên