Hà Nội "cấm" chửi bậy, văng tục: Bất khả thi?
VOV.VN - Nếu không có những qui định cụ thể và hợp lý, thì việc Hà Nội cấm tình trạng văng tục, chửi bậy gần như là "bất khả thi".
Trước tình trạng một bộ phận giới trẻ văng tục, chửi bậy quá nhiều ở nơi công cộng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Tuy nhiên, nếu không có những qui định cụ thể và hợp lý, thì việc ngăn ngừa tình trạng văng tục, chửi bậy gần như là "bất khả thi".
Theo chúng tôi, việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nơi công cộng ở Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến - là cần thiết, bởi hiện nay có một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử thiếu văn hóa.
Ảnh minh họa: Internet |
Theo một số nhà nghiên cứu, nguyên nhân của tình trạng này là biểu hiện từ sự đảo lộn của hệ thống giá trị, dẫn đến tình trạng hỗn loạn về giao tiếp trong môi trường công cộng. Nhiều người lớn tuổi cũng không gương mẫu trong cách ăn nói, ứng xử. Người ta thấy mình được tự do ăn nói hơn mà không bị ràng buộc bởi những nền nếp truyền thống.
Về phía nhà trường, ngày xưa "Tiên học lễ, hậu học văn", thì ngày nay, nhà trường thì quan tâm đến điểm số, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhiều hơn việc giáo dục cách ứng xử cho học sinh. Trong mỗi gia đình, việc mưu sinh chiếm ngày càng nhiều thời gian, gánh nặng, nên chuyện dạy dỗ con cái cũng không được coi trọng.
Với một bộ phận giới trẻ, văng tục, nói bậy có xu hướng trở thành “mốt”, là một cách để họ khẳng định bản thân. Nhiều người lớn tuổi nghe giới trẻ nói tục cũng không mấy ai nhắc nhở con trẻ chuyện đó ở nơi công cộng nữa. Vì thế, trong cách ứng xử đã mất đi một kênh giáo dục cộng đồng có hiệu quả. Hay nói cách khác, người lớn đang tạo cơ hội hơn cho con trẻ nói tục.
Hà Nội xử lý người nói tục nơi công cộng
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội. Từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm nay.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang chủ trì xây dựng "Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng", trong đó có khảo sát nội dung về nói tục nơi công cộng. Theo đó, Dự thảo Bộ khung quy tắc ứng xử đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm gồm: cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng. Với mỗi nhóm sẽ có những quy tắc riêng.
Hạn chế tình trạng văng tục, chửi bậy là cần thiết, nhưng việc triển khai ra sao thì xem ra Hà Nội vẫn đang lúng túng. Bộ quy tắc ứng xử không phải văn bản quy phạm, nên rất khó bắt buộc mọi người tuân thủ. Nhiều người cũng băn khoăn rằng: Rất khó xác định như thế nào là nói tục cũng rất khó? Đối với người nói tục, nói bậy thì cơ chế phạt thế nào, hay phê bình như thế nào, hay sẽ thông báo cho gia đình, nhà trường? Các biện pháp bằng văn bản hành chính sẽ có tác dụng trong cơ quan hành chính, chứ khó thực hiện ở nơi công cộng.
Chúng ta vẫn cần có những quy định cụ thể nơi công cộng, trong nhà trường, cơ quan, thậm chí có thể đề ra chế tài với các mức độ xử lý cụ thể.
Nhưng điều nên làm hơn lúc này là tác động đến nhận thức của giới trẻ qua các phương tiện truyền thông, các diễn đàn, trên internet để giới trẻ thẳng thắn bộc lộ quan điểm về việc này, từ đó mỗi người trẻ rút ra cho mình cách ứng xử phù hợp. Nếu các em hiểu được cách ăn nói, hành vi ứng xử cũng là một cách biểu thị sự hiểu biết, văn hóa, phản chiếu tư cách của mỗi người, thì các em sẽ tự trọng hơn và thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Để xây dựng một xã hội lành mạnh, với những ứng xử đẹp, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả cộng đồng, trong đó quan trọng nhất là phải huy động được sự vào cuộc của chính giới trẻ. Nếu chúng ta chỉ nêu ra một bộ qui tắc ứng xử nào đó, mà không tính đến sự phù hợp và khả thi của nó, thì rất dễ bị lãng quên trong cuộc sống và mọi sự vẫn chỉ là "đá ném ao bèo" mà thôi./.