Hà Nội cần xử lý nghiêm hơn những sai phạm

(VOV) - Thành ủy Hà Nội vừa tiến hành sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết TW4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”.

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội có điểm gì đột phá, có những chuyển biến gì quan trọng?

Đó không chỉ là băn khoăn của người dân Thủ đô mà còn là câu hỏi mà Thành ủy Hà Nội phải trả lời với nhân dân cả nước.

Theo dõi quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trên toàn quốc, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng- Ban tổ chức Trung ương cho rằng, Hà Nội có 3 cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết TW4.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kết luận Hội nghị (Ảnh: Đảng Cộng sản)

Ông Hà nói: “Thành ủy Hà Nội xung phong đi đầu trong việc lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và cán bộ chủ chốt nhiều sở ngành liên quan trực tiếp đến người dân. Hà Nội cũng ban hành quy định cán bộ phải gương mẫu trong việc cưới tang hay chủ trương rà soát lại các dự án trước đây đã được cấp phép rồi nhưng không được triển khai do chủ đầu tư không có khả năng. Đó là những việc làm cụ thể rất được lòng dân”.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 cán bộ chủ chốt của thành phố và lãnh đạo 7 sở ngành “nhạy cảm”, kiên quyết xử lý những cán bộ thanh tra xây dựng ở quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm trong việc để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý trật tự xây dựng…

Những việc làm này đã cho thấy sự quyết tâm cao của Thành ủy Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

Kết quả là, 21 cán bộ trong đó có 3 phó Chủ tịch UBND quận và một số lãnh đạo sở, ngành bị luân chuyển, điều động do thiếu sót trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kỷ luật khiển trách và cảnh cáo đối với 7 vị Phó Chủ tịch UBND quận và phó giám đốc sở, ngành.

Cũng qua kiểm điểm, thành phố đã phát hiện 17 vụ việc với 116 cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm, hiện đang được cấp ủy các cấp chỉ đạo, xem xét xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu của cán bộ đảng viên. Do vậy, Hà Nội cần làm tốt hơn và xử lý nghiêm hơn những sai phạm.

Ông Phạm Quang Nghị nói: “Những ai vi phạm thì đương nhiên phải xử lý nghiêm minh. Nếu phát hiện ra thì thành phố không loại trừ trường hợp nào. Trong thời gian qua, một trong những chuyển biến rõ nét là tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm một cách rõ rệt. Việc lấy phiếu tín nhiệm thí điểm để tới đây sẽ làm trên toàn thành phố hàng năm. Tôi cho rằng, cái đó chạy khó lắm. Làm sao ông đi xin phiếu được tất cả mọi người. Một tập thể rất đông như vậy họ đánh giá thì tính khách quan sẽ cao hơn”.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Hà Nội vẫn còn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân. Kết quả điều tra xã hội học được tiến hành cuối năm 2012 tại 5 sở, ngành của Hà Nội cho thấy, phần đông ý kiến không hài lòng về thái độ thực thi công vụ của cán bộ.

Tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực vẫn diễn ra phổ biến. Chỉ riêng Sở TN-MT, 90% người được hỏi không hài lòng với thái độ giải quyết công việc của cán bộ, nhân viên.  

Đây cũng là nguyên nhân khiến chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội sụt giảm 15 bậc so với năm trước. Cũng vì lý do này mà năm 2013 được thành phố xác định là “Năm kỷ cương hành chính.”

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Hoàng Trọng Quyết, để thực hiện tốt kỷ cương hành chính thì vấn đề cốt lõi là chấn chỉnh ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như cán bộ trực tiếp thực thi công vụ.

Bên cạnh tình trạng nhũng nhiễu, những kẽ hở trong thi tuyển công chức, viên chức, chất lượng giáo viên sau xét tuyển, quản lý cấp phép xây dựng… cũng là những vấn đề mà Hà Nội phải giải quyết mạnh tay hơn nữa để lấy được lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Không thể có chuyện ở giữa thủ đô văn minh, tình trạng chạy công chức ở các sở ngành cứ diễn ra mà kết luận thanh tra lại bảo, không thể tìm ra địa chỉ cụ thể.

Tại Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Thành ủy Hà Nội tháng 9/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi, công tác cán bộ có trong sáng, công tâm, khách quan không? Bản thân có gì đề xuất với tập thể ngăn chặn hay bản thân có đi “chạy” không?, hoặc có chấp nhận người khác đến “chạy” không?.... Phải làm rõ những vấn đề này thì mới thấy được hiệu quả của kiểm điểm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất, lại có thế mạnh gần gũi các cơ quan Trung ương. Do đó, Hà Nội phải là gương điển hình làm tốt, mẫu mực trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 để các đảng bộ khác noi theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội đi đầu trong tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ
Hà Nội đi đầu trong tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ

(VOV) -Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện NQTW 4

Hà Nội đi đầu trong tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ

Hà Nội đi đầu trong tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ

(VOV) -Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện NQTW 4

Hà Nội tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
Hà Nội tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4

(VOV) -Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhiều hạn chế, yếu kém của cán bộ chủ chốt, đảng viên được khắc phục.

Hà Nội tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4

Hà Nội tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4

(VOV) -Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhiều hạn chế, yếu kém của cán bộ chủ chốt, đảng viên được khắc phục.