Hà Nội sẽ giảm được xe máy, ô tô cá nhân nếu…
VOV.VN - Đề xuất của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân ở Thủ đô đang gây nhiều tranh cãi.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức đề xuất với Thủ tướng về việc nghiên cứu, có lộ trình giảm dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân vào năm 2020 nhằm tránh ùn tắc giao thông. Đề xuất này của lãnh đạo TP Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh người dân Hà Nội hàng ngày “tranh nhau từng mét đường” để đến nơi làm việc, kiếm sống, đi học… Mỗi ngày đi làm, mỗi ngày đi học là một ngày cực nhọc trên phố. Tắc đường là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân sống ở Thủ đô.
Hà Nội không tắc đường mới là chuyện lạ |
Ai cũng biết, phương tiện giao thông tăng quá nhanh, quá nóng trong khi hạ tầng không đáp ứng được là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất.
Thứ nhất, nhìn vào việc qui hoạch đô thị Hà Nội có thể thấy bất cập rất lớn. Nhiều nhà cao tầng mọc lên nhưng diện tích đất dành cho giao thông đô thị lại quá khiêm tốn. Một tòa nhà khoảng 20 tầng mọc lên thì cư dân ở đó bằng gần… một phường nhập cư. Thế có nghĩa, lâu nay một con đường dành cho cư dân một phường đi đã chật thì nay số người sử dụng lại tăng lên gấp đôi. Thử hỏi làm sao không tắc?
Thứ hai, vì đường xá chật hẹp, phương tiện giao thông quá nhiều, trong khi chúng ta lại không có đất để qui hoạch các bãi đỗ xe. Chính vì thế, vỉa hè, lòng đường được sử dụng để làm nơi đỗ xe không phải là chuyện lạ. Nhiều tuyến phố đã chật hẹp, xe đỗ dọc phố, trên hè thì người dân kinh doanh hàng hóa, ăn uống… nhếch nhác, bẩn thỉu vô cùng. Thử hỏi, đường phố “đa di năng” như thế làm sao không tắc?
Thứ ba, vì sao người dân lại muốn dùng phương tiện giao thông cá nhân? Vì tiện dụng, tự chủ. Thực ra, dù có mua ô tô hay xe máy cũng là chuyện không thể đừng ở Hà Nội và các thành phố lớn. Bây giờ đời sống người dân đã cải thiện, nhiều gia đình khấm khá, họ lo cho sức khỏe của bản thân và những người trụ cột trong gia đình. Không ai kiếm tiền cất vào một góc để rồi phải dầm mưa, dãi nắng trong cảnh tắc đường. Có ô tô, dù tắc đường cũng dễ chịu hơn phải đi xe máy. Thứ nữa, nếu hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội tốt, thuận lợi thì chẳng cần bắt buộc ai lcũng chọn giao thông công cộng để đi. Còn nhớ, vài năm trước, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có “lệnh” yêu cầu nhân viên của Bộ này phải đi xe buýt đi làm. Nhưng cuối cùng “lệnh” này cũng bị bãi bỏ vì “bất khả thi”. Lý do thì mọi người đã rõ.
Thứ tư, nhiều người đã chọn xe buýt là phương tiện giao thông chính cho mình, nhưng thực tế đi xe buýt lại gặp nhiều rủi ro (phụ nữ bị quấy rối tình dục, trêu ghẹo, móc túi), nhiều tuyến phục vụ không được văn minh, sạch sẽ… khiến người dân xa lánh dần phương tiện giao thông công cộng này. Nhiều tuyến xe buýt đã “chết yểu” vì những lý do trên.
Hà Nội mới có một tuyến đường sắt trên cao đang được xây dựng, hoàn thiện. Nhưng mốc thời gian để người dân được sử dụng phương tiện này cứ lùi mãi, lùi mãi, trong khi hàng ngày phải chịu cảnh tắc đường, khói bụi… do công trình này gây ra.
Chủ tịch Hà Nội đề xuất biện pháp mạnh để hạn chế phương tiện cá nhân
Còn nhớ, cũng cách đây khoảng chục năm, Hà Nội cũng đã đưa ra ý tưởng hạn chế phương tiện cá nhân (cụ thể là xe máy) bằng việc không cho người ngoại tỉnh đăng ký xe máy ở Thủ đô. Kết quả là, Hà Nội thất thu thuế nhưng xe máy vẫn chạy về thủ đô ầm ầm. Những người sống ở Hà Nội muốn mang biển số xe Hà Nội lại phải qua “cò” và còn nhiều hệ lụy khác nữa. Thất bại, Hà Nội đã phải bãi bỏ qui định này. Và từ đó đến nay (từ năm 2002), tính bình quân mỗi tháng Hà Nội có cả chục nghìn xe máy được đăng ký mới thì đến giờ số lượng xe máy lưu thông trên đường Hà Nội là con số “khủng” cỡ nào?
Hạn chế phương tiện cá nhân đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt là có hiệu quả. Hà Nội sẽ giảm được phương tiện giao thông cá nhân nếu đảm bảo yếu tố tiên quyết là có hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện, thuận tiện cho người dân. Theo như lời Chủ tịch TP Hà Nội thì từ nay đến 2020 cần có lộ trình giảm dần. Vậy thì từ nay tới đó, Hà Nội cũng cần bắt tay ngay (chứ không phải lộ trình nữa) vào việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, hoàn thiện các phương tiện, hệ thống vận tải công cộng sao cho an toàn, hiệu quả, thuận tiện, thân thiện với người dân. Nhiều người tin rằng, Hà Nội sẽ làm được điều này nếu có một quyết tâm thép!/.