Hà Nội vẫn chưa giải được bài toán thoát úng ngập
Chỉ một cơn mưa buổi sáng 13/7, với lượng mưa trên dưới 100 milimét, rất nhiều tuyến phố nội thành và tuyến đường ven Thủ đô chìm sâu trong nước.
<< Hà Nội tê liệt giao thông vì mưa lớn
Suốt buổi sáng, giao thông trở nên hỗn loạn, hàng loạt ô tô xe máy lưu thông trên đường bị ngập nước, chết máy; nhiều nhà dân bị ngập nước; nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; rất nhiều công chức, viên chức, người lao động không đến được nơi làm việc… Trong khi mưa lớn, úng ngập, như mọi lần, những công nhân của Công ty Thoát nước Hà Nội lại vật lộn với mưa gió, bơm hút nước, nhưng rõ ràng, lực bất tòng tâm, chỉ là tát nước theo mưa…
Trận mưa lớn đầu mùa gây ngập úng trên diện rộng này khiến nhiều người liên tưởng tới trận ngập lịch sử xảy ra tháng 10/2008 ở Thủ đô. Nhưng trận mưa lần ấy kéo dài, với cường độ lớn, có nơi trên 300 milimét. Và vào thời điểm ấy, Hà Nội còn tỏ ra khá "bất ngờ" với những trận mưa lớn; cơ sở hạ tầng chưa kịp ứng phó với những trận mưa lịch sử, nhiều công trình thoát nước thi công dở dang…
Nhưng tới trận mưa này thì rõ ràng không còn quá bất ngờ với những nhà quản lý đô thị. Sau trận ngập lịch sử gần 2 năm trước, Hà Nội đã kịp thời rút ra những bài học đắt giá và quý giá. Một trong những bài học đó là công tác dự báo và quy hoạch thoát lũ. Trong chuyến thăm trạm bơm Yên Sở sau trận lụt lớn 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lưu ý, Hà Nội cần xem xét lại quy hoạch thoát lũ của mình.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng thừa nhận, trong công tác quy hoạch, thành phố chưa tính đến mức nước lũ cao nhất. Hơn 1 tháng sau đó, vào ngày 13/11/2008, Hà Nội khởi công dự án thoát nước giai đoạn 2, với tổng đầu tư lên tới 370 triệu USD, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành năm 2005, với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD. Dự án thoát nước giai đoạn 2 được bắt đầu với gói thầu nâng gấp đôi công suất trạm bơm Yên Sở lên 90 m3/giây, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Có thể đến năm 2011 dự án mới hoàn thành, lúc đó mới chống úng ngập cho 4 quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch, với khả năng tiêu thoát chống chịu được lượng mưa 310 milimét trong hai ngày.
Nhưng đến thời điểm này, đặc biệt khi chỉ còn gần 90 ngày nữa đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, dự án tiêu tốn nhiều nghìn tỉ đồng này vẫn chưa đủ khả năng chống úng ngập cho nội thành Thủ đô với lượng mưa trên dưới 100milimét trong vòng vài ba giờ đồng hồ, thì quả là đáng để người dân phàn nàn!
Một nguyên nhân gây tình trạng úng ngập nghiêm trọng và những sa sảy trên đường những khi ngập úng, phải kể đến, là tình trạng thiếu trách nhiệm của những đơn vị thi công sửa sang, nâng cấp cống rãnh thoát nước, lề đường, hè phố… Thời gian gần đây, Hà Nội cấp tập thi công chỉnh trang đô thị, các đơn vị thi công đào xới cả ngày lẫn đêm, không quan tâm đến đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông. Nhiều đường phố bị xẻ ngang xẻ dọc, san lấp quấy quá; nhiều hố ga bị đào lên, để đấy, tạo thành những cái bẫy chết người… Nhiều cống rãnh thoát nước xây sửa qua quýt, bị lấp đầy đất đá… Chuyện đó diễn ra hàng ngày, trước mắt mọi người, nhưng các nhà quản lý, giám sát có vẻ như không thấy!
Không ai thống kê được những tổn thất, thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi gặp cảnh ngập lụt luôn luôn là 'bất ngờ"này. Bị thiệt hại, người dân không kêu ca; và dĩ nhiên, trong những hoàn cảnh này, người dân Thủ đô luôn luôn thường trực tâm lý rất đáng quý: Gặp thiên tai, Nhà nước và nhân dân cùng khắc phục. Rất nhiều gia đình có sáng kiến be bờ tát nước, sắm máy bơm bơm hút nước, tự khơi thông cống rãnh thoát nước, tôn cao nền nhà tránh ngập…
Nhưng rõ ràng đây không phải là giải pháp cơ bản, và nó không phản ánh xu thế ngày càng văn minh hiện đại, chủ động ứng phó với thiên tai của Thủ đô ta. Người dân có quyền đòi hỏi những nhà quản lý đô thị phải trách nhiệm hơn nữa với lời giải cho bài toán thoát nước ở Thủ đô, quan tâm đến nỗi bức xúc của người dân hơn nữa, biết lắng nghe người dân để có những quyết định có lợi cho cộng đồng.
Người dân mong muốn công trình thoát lũ của Hà Nội phải là công trình mẫu mực, công trình của 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, niềm tự hào của người dân Thủ đô hôm nay và mai sau. Trên thực tế công trình phải đạt được những mục tiêu mà dự án đề ra và tránh hội chứng "công trình chào mừng", như cách nói của người dân, là tiêu hết tiền nhưng nước không thoát!/.