Hành động toàn cầu
Việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ phụ thuộc vào nỗ lực chung của tất cả các nước. Đối với Việt Nam, năm 2010 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu quá trình thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới đã trải qua 2/3 chặng đường thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ cũng như các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các Mục tiêu vào năm 2015.
Việc thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đã và đang mang lại những lợi ích to lớn, làm cho cuộc sống con người lành mạnh hơn, một thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Trải qua 2/3 thời gian thực hiện, thế nhưng cho đến nay, theo như báo cáo của LHQ, chỉ 2/8 mục tiêu là có thể hoàn thành. Đó là, giảm một nửa tỷ lệ người không được tiếp cận thường xuyên với nước sạch và hợp vệ sinh, giảm một nửa số người có thu nhập dưới 1 USD/ngày. Còn các mục tiêu khác như trao thêm quyền cho phụ nữ, đảm bảo sự bền vững về môi trường, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỉ lệ tử vong ở thai phụ và trẻ sơ sinh, thu hẹp sự lây lan của HIV/AID vẫn còn rất xa.
Báo cáo Mục tiêu Thiên niên kỷ năm 2010 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây có mức tăng trưởng khá và tương đối ổn định. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước bình quân hằng năm trong giai đoạn 2001-2010 đạt 7,2%, GDP bình quân đầu người năm nay ước đạt khoảng 1.200USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2000. Với mức thu nhập này, Việt Nam chuyển vị trí từ nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. |
Hơn nữa, việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo (được cho là có thể hoàn thành), tại các quốc gia cũng không đồng đều và có khoảng cách rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh bất ổn tại một số khu vực, cũng như những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn đeo đẳng.
Thêm một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ toàn cầu, đó là nhận thức sai lệch trong chiến lược giảm nghèo. Nhiều chiến lược còn tách nghèo đói ra khỏi quá trình phát triển kinh tế, mà điều này, theo như Báo cáo nhan đề “Chống đói nghèo và bất bình đẳng: Thay đổi cơ cấu, chính sách xã hội và chính trị” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội của Liên Hợp Quốc (UNRISD) đưa ra, có thể dẫn tới tình trạng 1 tỷ người tiếp tục nghèo vào năm 2015.
Báo cáo nêu trên cũng cho rằng, những nước nghèo nhất thường có mức bất bình đẳng cao nhất, có nghĩa là nghèo khổ và bất bình đẳng phải được coi là nội dung của cùng vấn đề. Trong bức tranh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về thực hiện MDGs. Trong báo cáo công bố ngày 17/9 vừa qua, Việt Nam đã “về đích” sớm một số Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Đó là đã hoàn thành việc xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói ngay từ năm 2002; đến nay đã giảm được 3/4 tỷ lệ nghèo so với đầu thập kỷ 1990; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và dự kiến sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010... Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; thành công trong việc kiểm soát sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn sự lây lan của HIV và đang ở trước ngưỡng có thể hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.
“Không thể phủ nhận rằng, Việt Nam đã thu được những thành tựu ấn tượng trong tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đã đạt được nhiều mục tiêu trước thời hạn 2015. Những thành tựu này phần lớn là nhờ cam kết và hành động mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được chứng minh là một chất xúc tác cho hành động toàn cầu và Việt Nam là một ví dụ tuyệt vời cho những thành tựu trong thực hiện các mục tiêu” - Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam. |
Theo ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, những thành tựu nổi bật trên là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện MDG với những giải pháp như đổi mới cơ chế chính sách, phương thức huy động nguồn lực phát triển, có sự lựa chọn ưu tiên cao hơn cho các vùng chậm phát triển, các nhóm dân cư nghèo và dễ bị tổn thương.
Hội nghị cấp cao đang diễn ra tại New York là dịp để kiểm điểm lại tiến trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, để 192 nhà lãnh đạo các nước thành viên Liên Hợp Quốc thể hiện quyết tâm, huy động sức mạnh cộng đồng trong đó có các cam kết tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển, đặc biệt là hỗ trợ các cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất để nước họ đạt được các MDGs. Điều đó có nghĩa là việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ phụ thuộc vào nỗ lực chung của tất cả các nước./.