Hiểm họa thiên thạch và trách nhiệm của các nhà khoa học
(VOV) -Thay vì chạy đua vũ khí hạt nhân, các nhà khoa học hãy tập trung tìm giải pháp khắc phục hiểm họa từ thiên thạch.
Vụ thiên thạch nổ tung trên bầu trời phía Bắc nước Nga hôm 15/2 vừa qua đã càn quét một vùng rộng lớn, gây hoảng hốt cho nước Nga; đưa cả thế giới đi từ bất ngờ đến chấn động, để rồi cùng nhận ra một sự thật: Chúng ta chưa có một sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với những cơn “thịnh nộ” của vũ trụ. Vậy trong tương lai, cộng đồng quốc tế cần làm gì để tránh những hiểm họa tương tự có thể xảy ra?
Thiên thạch có thể rơi xuống bất cứ nơi nào trên Trái đất chứ không riêng vùng nào và lần này, nơi gánh chịu hậu quả là nước Nga. Tiếng nổ của thiên thạch tạo nên một sóng chấn động lớn, làm vỡ nhiều cửa kính và làm hư hại nặng nhà cửa, các trường học, bệnh viện, nhà máy, sân vận động… Riêng tại tỉnh Chelyabin, tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 33 triệu USD.
Vụ nổ thiên thạch xảy ra có sức công phá tương đương với 20 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, nước Nhật năm 1945. Hơn 1.200 người dân ở các địa phương bị thương, trong đó 2/3 số người do các mảnh kính vỡ hoặc các vật liệu khác bị sóng chấn động từ vụ nổ thiên thạch thổi bay và 50 người phải nhập viện.
Lỗ thủng trên mặt băng tại hồ Chebarkul (Ảnh: AFP) |
Điều đáng nói ở đây là thiên thạch rơi xuống nước Nga, mà không một thiết bị khoa học nào phát hiện được và không một nhà khoa học, nhà nghiên cứu vũ trụ nào có thể dự đoán trước. Trong khi thiên thạch rơi xuống nước Nga thì các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu vũ trụ còn đang tập trung sự chú ý vào thiên thạch 2012 DA14. Nhưng thiên thạch nặng 130.000 tấn này lại êm ả đi qua Trái đất ở khoảng cách 127.000km. Và sự bất ngờ lại đến từ một thiên thạch nhỏ bé khác không ai ngờ tới, với đường kính chưa đầy 15m, trọng lượng chỉ 7.000 tấn.
Điều đáng nói nữa là hệ thống cảnh báo vũ khí hạt nhân và lá chắn tên lửa liên lục địa, thuộc hàng hiện đại và hiệu quả nhất thế giới của Nga, đã không phát hiện được thiên thạch này. Sự xuất hiện của thiên thạch làm người ta thoáng thấy viễn cảnh của sự hủy diệt.
Nhưng theo các nhà khoa học, sự xuất hiện sớm của nó là điều vô cùng may mắn, vì chỉ cần nổ chậm hơn vài giờ, thiên thạch này có thể san bằng cả một thành phố. Và nếu chỉ xuất hiện chậm hơn vài giờ, nó sẽ tấn công miền Bắc nước Anh và ảnh hưởng đến nhiều nước châu Âu khác. Và may mắn hơn, vụ nổ thiên thạch nằm ngoài khu vực có người.
Nhưng dù vậy, sự xuất hiện của thiên thạch này và những hậu quả mà nó gây ra đang đặt ra cho giới khoa học nhiều việc phải làm. Lâu này, thế giới đã đầu tư rất nhiều tiền của cho các dự án nhằm phát hiện những tiểu hành tinh ngoài Trái đất. Mỹ cũng đầu tư hàng triệu đô la để tìm và theo dõi các sao chổi, thiên thạch. Hiểm họa thiên thạch rơi xuống nước Nga chỉ vài giờ, trước khi một nhà vật lý Mỹ cùng các đồng nghiệp công bố một hệ thống ngăn chặn thiên thạch rất mới mẻ - bằng năng lượng Mặt trời.
Lâu nay, các nhà khoa học mới chỉ đưa ra các ý tưởng ngăn chặn hiểm họa do thiên thạch gây ra bằng tên lửa, hoặc dự phòng lâu dài hơn là phi thuyền không gian mang bom nguyên tử hay vũ khí lazer. Nhưng tất cả mới chỉ là giả thuyết, bởi trình độ khoa học hiện nay rất khó có thể thực hiện được.
Từ vụ việc này, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều nhận định, mối đe dọa đến từ ngoài Trái đất là một hiểm họa thường trực cho nhân loại. Đã đến lúc phải lập ngay một Hệ thống cảnh báo tiểu hành tinh quốc tế để xử lý và lên kế hoạch ngăn chặn thảm họa từ không gian. Thay vì chạy đua vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, các nhà chức trách, các nhà khoa học trên thế giới hãy tập trung trí tuệ và tiền bạc để tìm ra những giải pháp để khắc phục hiểm họa từ những tiểu thiên thạch.
Theo các nhà khoa học, cần phải gia tăng theo dõi không gian quanh Trái đất để biết trước và ngăn chặn những thiên thạch nguy hiểm. Chống thiên thạch vốn là điều không dễ, vì thiên thạch không đi giống như máy bay hay tên lửa. Bởi vậy, cả thế giới, đặc biệt là những cường quốc về vũ trụ cần ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Riêng với Việt Nam, nền khoa học của chúng ta chưa đủ phát triển để ứng phó với hiểm họa do thiên thạch gây ra. Chúng ta cũng chưa có cơ sở khoa học nào nghiên cứu về thiên thạch, nên chúng ta cũng chưa có khả năng dự báo nếu chẳng may có một thiên thạch nào đó tấn công. Nhưng với người dân, các nhà thiên văn học khuyên rằng, nếu gặp phải hiện tượng tương tự ở Nga, điều đầu tiên phải hết sức bình tĩnh.
Mối nguy hại từ mảnh vỡ thiên thạch này thực ra không đáng lo ngại như chúng ta vẫn nghĩ. Người dân nên tiếp cận các nguồn tin có cơ sở khoa học. Nếu nhìn thấy mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống mặt đất, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng để họ thông báo với các nhà khoa học.
Thiên thạch không có giá trị về mặt vật chất, nhưng lại có giá trị về mặt khoa học rất nhiều. Thiên thạch không có giá trị về mặt y học, chẳng thể chữa lành bệnh, bởi vậy, không nên lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân mà đưa ra những thông tin thất thiệt, đặc biệt không “thổi giá” những mẩu thiên thạch lên cao để làm giàu bất chính./.