Hiến máu tình nguyện là trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng

Hiến máu tình nguyện là một cuộc vận động được nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Tuy nhiên, để cuộc vận động hiến máu tình nguyên trở thành phong trào trong toàn xã hội và là “trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng của mỗi người” thì còn nhiều việc phải làm.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm nước ta cần khoảng gần 2 triệu đơn vị máu để cấp cứu và điều trị. Nhưng trên thực tế, các bệnh viên mỗi năm chỉ thu gom được khoảng xấp xỉ 700.000 đơn vị máu, trong đó tỉ lệ máu hiến tình nguyện đạt 59%, chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu điều trị của người bệnh. Chính vì vậy, hiện nay các bệnh viện luôn luôn ở trong tình trạng thiếu máu để điều trị. Vào những thời điểm thiếu máu trầm trọng, có những bệnh nhân vào nhập viện 5, 10 ngày mà vẫn chưa có máu để truyền.

Hiến máu tình nguyện cần trở thành phong trào mạnh mẽ trong toàn xã hội

Đáng tiếc có những ca bệnh trầm trọng hơn hoặc tử vong do không có máu để truyền kịp thời. Đến nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khoa học vẫn chưa tìm ra máu nhân tạo để thay thế nguồn máu lấy từ con người, chính vì thế tất cả nguồn máu để điều trị cho bệnh nhân đều bắt buộc phải được con người hiến tặng.

Nhận thức được tầm quan trọng của hiến máu tình nguyện, ngay từ năm 2000 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện. Từ đó đến nay, cuộc vận động hiến máu tình nguyện đã được dấy lên và lan rộng. Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế ghi nhận như một sự tri ân đến những người đã hiến máu tình nguyện, chia sẻ sự sống của mình với đồng loại.

Tuy vây, so với các nước quanh ta như, Singapore, Hàn Quốc… thì tỷ lệ hiến máu nhân đạo ở Việt Nam còn rất thấp, hàng năm, lượng máu thu gom được mới chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu của người bệnh. Đối tượng tích cực tham gia hiến máu vẫn chủ yếu là thanh niên, sinh viên. Nhiều người dân, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức nhà nước vẫn đang đứng ngoài cuộc. Sự thờ ơ như vậy là do nhiều người còn chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo, và không loại trừ nhiều người có trách nhiệm ở địa phương, đơn vị xem nhẹ hoạt động này và cho đó là “chuyện riêng” của các bệnh viện, của ngành y tế. Rõ ràng, đã đến lúc phải hiểu hiến máu nhân đạo không chỉ là hoạt động tình nguyện, thích thì làm mà đúng như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói đó phải là “trách nhiệm và bổn phận” của mỗi người. Trong bức thư gửi nhân ngày toàn dân Hiến máu tình nguyện, Chủ tịch nước yêu cầu: Mỗi cá nhân, tập thể, đặc biệt là các nhà quản lý hăng hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người bệnh.

Một nguyên nhân nữa là công tác tuyên truyền vận động Hiến máu nhân đạo chưa thực sự sâu rộng cho nên nhiều người chưa biết rằng: Việc hiến tặng một lượng máu trong cơ thể đã không ảnh hưởng đến sức khoẻ mà hơn thế còn là cơ hội để cơ thể sản sinh ra lượng hồng cầu mới dồi dào hơn. Hiện nay cuộc vận động hiến máu nhân đạo mới chỉ dừng lại ở các thành phố lớn, các trường đại học và mà chưa vào tới các cơ quan, đơn vị đặc biệt là khu vực nông thôn rộng lớn. Chính vì vậy cuộc vận động hiến máu tình nguyện cần trở thành phong trào mạnh mẽ trong toàn xã hội. Thực tế cho thấy, hè 2009 vừa qua, với chiến dịch “Những giọt máu hồng Hội chữ thập đỏ Việt Nam” đã thu gom được hơn 140.000 đơn vị máu cung cấp cho các bệnh viện. Và rất nhiều người đã được cứu sống từ những giọt máu ân tình này.

“Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng”. Để có nhiều hơn nữa niềm hy vọng cho sự sống, ai cũng có thể hiến máu, dù đó là người trẻ, người già, người giàu, người nghèo, nam giới, phụ nữ, lãnh đạo hay nhân viên, bộ đội hay dân thường. Đó có thể là bạn, con cái bạn, hoặc bất cứ thành viên nào trong gia đình bạn hãy hiến máu một lần để có thể cứu sống nhiều người bệnh, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình họ, giúp ngành y tế bớt khó khăn về tình trạng thiếu máu khi cần cứu chữa người bệnh bằng truyền máu. Và mỗi người hãy hiểu, “Tất cả mọi người trong xã hội đều cần máu vì vậy tất cả mọi người cần hiến máu”. Hãy đừng ngần ngại đưa cánh tay của trách nhiệm và bổn phận hiến giọt máu đào cứu cuộc sống của người khác hôm nay vì đến lúc nào đó chính chúng ta hoặc người thân cần máu sẽ có những cánh tay như thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên