Hiện thực hóa ước mơ thế giới

Những thành tựu Việt Nam đạt được khiến các nước nghèo, các nước đang phát triển trên thế giới thấy rằng, Mục tiêu Thiên niên kỷ không phải là kế hoạch bất khả thi.

Cách đây 10 năm, lãnh đạo các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã cam kết chống lại đói nghèo, xoá bỏ bệnh tật, bất bình đẳng, tăng cường giáo dục và bảo vệ môi trường... thể hiện bởi 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Các nhà lãnh đạo thế giới đang có cuộc họp tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) để nhìn lại 2/3 chặng đường thực hiện kế hoạch này.

Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao sáng” trong nỗ lực hiện thực hóa các MDGs. Tuy vậy, thế giới cũng như Việt Nam vẫn còn quá nhiều việc phải làm vì thời hạn đặt ra cho kế hoạch này không còn nhiều.

Tám mục tiêu đó là: xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khoẻ cho bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.

Đây có thể xem là kế hoạch hành động chung lớn nhất toàn cầu nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên khắp Trái đất này. Sau 10 năm, nhìn tổng thể, thế giới đạt được nhiều tiến bộ trên các chỉ tiêu như giảm được tỷ lệ đói nghèo, tăng số lượng học sinh nhập học, cải thiện sức khoẻ trẻ em, kiểm soát dịch bệnh…

Tuy nhiên, kết quả đạt được là không bền vững, thể hiện giữa các khu vực, quốc gia và các nhóm dân cư. Có một số mục tiêu rất khó đạt được, như: giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, tăng cường sức khoẻ bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS và đảm bảo môi trường bền vững. Khu vực Tây Á và châu Phi với 33 nước kém phát triển nhất, nhiều khả năng sẽ không hoàn thành các MDGs vào năm 2015.

Đặt trong bối cảnh như vậy mới thấy thành tựu mà Việt Nam đã đạt được là rất đáng khích lệ. Chúng ta đã đạt 5/8 mục tiêu trước thời hạn. Trong đó nổi bật nhất là Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và giảm tỷ lệ người có mức thu nhập dưới 1USD/ngày từ gần 2/3 dân số xuống còn 1/5. Đây là kết quả phản ánh bản chất của mô hình xã hội mà chúng ta đang hướng tới, nó cũng thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thực tế, những thành tựu chúng ta đã đạt được không chỉ mang lại niềm tự tin cho Việt Nam trong chặng nước rút hoàn thành MDGs vào năm 2015, nó còn khiến các nước nghèo, các nước đang phát triển trên thế giới thấy rằng, MDGs không phải là kế hoạch bất khả thi. Vấn đề là quyết tâm và cách thức tổ chức thực hiện.

Tuy vậy cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng 5 năm tới chính là chặng đường cam go nhất. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh HIV/AIDS là những vấn đề nóng bỏng nhất, phức tạp nhất và cũng nan giải nhất mà các nước nghèo, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam đang phải đối diện. Bên cạnh đó, tình trạng phân hóa xã hội, cách biệt giàu nghèo gia tăng, mô hình phát triển dựa quá nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường cũng khiến cho các nguy cơ nói trên ngày càng hiện hữu rõ rệt hơn. Nó khiến các tầng lớp nghèo và vừa thoát nghèo trong xã hội trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Xin nêu một ví dụ: cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đã kéo 100 triệu người trên thế giới trở lại tình trạng đói nghèo. Nói cách khác, những kết quả đạt được chưa phải là bền vững.

Tại Việt Nam, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém: giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo còn nhiều, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập của các tầng lớp dân cư còn lớn, trong khi số người thất nghiệp gia tăng. Nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ còn thấp…Những nguy cơ và thách thức này có thể gây ra bất ổn nếu không được hóa giải kịp thời.

Thực ra ngay cả với các quốc gia phát triển, có năng lực vật chất kỹ thuật dồi dào, việc giải quyết những thách thức nói trên cũng không hề dễ dàng.

Chính bởi vậy, MDGs mới là kế hoạch toàn cầu, nó phải được giải quyết ở tầm toàn cầu, với sự cộng tác của toàn thế giới. Đây chính là vấn đề mà Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 21/9 tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Trách nhiệm làm cho 1 tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói là trách nhiệm chung của cả thế giới, trong đó có các nước giàu. Sự phát triển và chia sẻ thành quả phát triển của thế giới cũng như mỗi quốc gia phải được thực hiện theo cách công bằng hơn những gì chúng ta đang thấy.

Chia sẻ mục đích cao đẹp của MDGs mà Liên Hợp Quốc đề ra, với nền tảng và kinh nghiệm đã có, với quyết tâm rất cao, Việt Nam sẽ hợp tác tốt với cộng đồng quốc tế để sớm hiện thực hóa nó ở Việt Nam, vì hạnh phúc của chính nhân dân Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên