“Hoa hồng” cho bác sĩ và lời thề Hyppocrate
Doanh số bán ra nhiều khi không phụ thuộc vào chất lượng thuốc và giá cả, mà phụ thuộc vào “công nghệ” tiếp thị hay khả năng “vận động hành lang” với bác sĩ và các cơ sở y tế.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh làm rõ vụ việc tình trạng bác sĩ trong các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh liên kết với nhà thuốc, trình dược viên, kê toa thuốc tràn lan để được hưởng chiết khấu lớn từ các hãng dược.
Tình trạng mất trật tự trên thị trường tân dược Việt Nam thực tế, đã diễn ra trong một thời gian dài. Trong giới kinh doanh dược phẩm, việc nhiều hãng thuốc (thông qua đội ngũ trình dược viên và các đaị lý) tìm cách móc ngoặc, “tác động” với các bác sĩ, các cơ sở y tế để bán sản phẩm của mình, từ lâu cũng đã trở thành một hiện tượng phổ biến.
Tuy vậy, chỉ đến khi báo chí chỉ đích danh 2 bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (trong đó có 1 Tiến sĩ) hưởng chiết khấu đến 30% giá trị mỗi đơn thuốc mà họ kê cho bệnh nhân từ công ty dược Shering Plough, những sự bùng nhùng trên thị trường dược phẩm mới được đưa ra ánh sáng một cách thuyết phục.
Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, hiện tượng bác sĩ hưởng hoa hồng từ các toa thuốc kê cho bệnh nhân là một thực tế có ở mọi nơi. Đã có những bác sĩ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/tháng, thậm chí là cao hơn từ “hoa hồng” kê toa. Trong kinh doanh, các doanh nghiệp có thể chiết khấu cho đại lý đến 50% doanh thu bán hàng, tuy vậy, việc bác sĩ nhận hoa hồng của các đơn vị kinh doanh được phẩm lại vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, các qui định của ngành và đặc biệt là lời thề Hyppocrate mà bất kỳ thầy thuốc nào cũng coi là rất thiêng liêng.
Hiện nay thị trường dược phẩm Việt Nam đang phát triển với tốc độ quá nóng, bên cạnh một số nhà phân phối chuyên nghiệp có tầm toàn cầu, là hằng hà sa số các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hưu hạn mọc lên chỉ chuyên buôn bán được phẩm. Chủng loại dược phẩm hiện cũng rất phong phú và đa dạng, trong khi khâu kiểm soát về chất lượng của các cơ quan chức năng lại chưa hiệu quả. Xin nêu một ví dụ, với hoạt chất kháng sinh Cefuroxine, bên cạnh nhãn hiệu Zinnat của đơn vị giữ bản quyền đầu tiên là tập đoàn GSK (Anh), còn có thêm khoảng 300 tên biệt được khác được đăng ký tại Việt Nam, xuất xứ từ nhiều nước khác nhau, trong đó có cả Ấn Độ, Pakistan, thậm chí là từ Bangladesh. Chính vì vậy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để bán được thuốc đang diễn ra vô cùng khốc liệt.
“Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết...”- trích lời thề Hyppocrate |
Dược phẩm là một loại hàng hóa đặc biệt, mà người bệnh dù là khách hàng nhưng họ lại không có quyền lựa chọn. Khách hàng thực sự chính là các bác sĩ, vì họ nắm quyền kê toa thuốc và quyết định người bệnh phải mua loại thuốc nào. Để được các bác sĩ kê đơn thuốc của mình, ngoài việc đua nhau nâng tỷ lệ hoa hồng, có loại thuốc tỷ lệ chiết khấu lên tới 40-50%, các hãng được còn tìm cách “mua” bác sĩ bằng các kỳ nghỉ xa xỉ nghỉ dưới hình thức mời đi du lịch nước ngoài núp bóng dự hội thảo, hội nghị hoặc tặng quà.v.v… Tất cả các chi phí này, tất nhiên đều được tính vào tiền bán thuốc. Thế mới có chuyện giá thành sản xuất một viên thuốc có khi chỉ là 500 đồng nhưng giá bán ra lên tới 10.000 đồng. Trong ngành dược phẩm, chất lượng thuốc cũng như doanh số bán ra nhiều khi không phụ thuộc vào giá cả, mà phụ thuộc vào “công nghệ” tiếp thị hay khả năng “vận động hành lang” với bác sĩ và các cơ sở y tế. Trên thực tế, ưu thế cạnh tranh lại đang nghiêng về các công ty nhỏ vì khả năng hợp thức các khoản chi đen…
“Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết...”. Đây là một phần nội dung lời thề Hyppocrate, mà bất kỳ người hành nghề y nào cũng coi là một nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp thiêng liêng. Thế nhưng, nhiều bác sĩ biến chất và các nhà kinh doanh được phẩm đã dẫm lên lời thề này, làm giàu một cách bất lương trên lưng người bệnh.
Suy cho cùng, sự sa sút về đạo đức của nhiều bác sĩ có nguyên nhân từ lỗ hổng về quản lý trong ngành y dược. Chỉ đến khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng của ngành y tế mới giật mình vào cuộc. Hình thức thanh tra theo kiểu thông báo rầm rộ, rình rang như hiện nay, chẳng biết có mang lại kết quả chính xác không, nhưng có một điều chắc chắn là những người vi phạm sẽ có thời gian tẩy xóa dấu vết. Cũng không thể nói, lãnh đạo ngành này hoàn toàn không biết gì về các hiện tượng tiêu cực nói trên vì họ là những người trong nghề, chắc chắn sẽ biết trước và hiểu tường tận sự tình hơn là xã hội. Chỉ có thể nói rằng các cơ quan chức năng phản ứng quá chậm hoặc không đủ năng lực để giải quyết tận gốc vấn đề.
Vẫn biết tiêu cực trong ngành y nói chung và lĩnh vực kinh doanh dược phẩm nói riêng, suy rộng ra cũng chỉ là một phần trong mặt trái của một xã hội đang chuyển đổi. Nhưng hiện tượng tiêu cực vừa được phơi ra vẫn làm cho những người có lương tri trong ngành phải đớn đau. Việc nhiều bác sĩ tự làm hoen ố màu áo trắng tinh khiết của người thầy thuốc, của nghề mà xã hội tôn kính gọi là “thầy”, có thể gây ra những hậu quả xã hội lớn hơn nhiều hình thức chế tài mà cá nhân họ phải gánh chịu./.