Hoan hô Quảng Nam!

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định thu hồi 4 dự án thủy điện trên địa bàn do chủ đầu tư vi phạm cam kết thời gian nghiên cứu lập báo cáo đầu tư dự án.

Sau một thời gian các cơ quan báo chí (trong đó có Đài TNVN) lên tiếng mạnh mẽ về việc phát triển quá nóng các nhà máy thủy điện (chủ yếu là vừa và nhỏ) ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt, sau những tranh luận về việc  xả lũ của một số đập thủy điện trong cơn bão số 9 và số 11 vừa rồi liệu có góp phần làm tăng thiệt hại về nhân mạng và tài sản của đồng bào miền Trung hay không, thì đến hôm qua, tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên đã có phản hồi.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải vừa đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại quy hoạch hệ thống thủy điện trên địa bàn, đánh giá khả năng cắt lũ, qui trình vận hành, khả năng điều tiết lũ cho vùng hạ du, đặc biệt là trong mừa mưa bão của các nhà máy thủy điện trên địa bàn, đánh giá tác động môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch tổng thể và cụ thể của từng dự án thủy điện.

Bí Thư tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu UBND tỉnh tính toán cân bằng được nguồn nước phục vụ thủy điện và nhu cầu dân sinh, các ngành kinh tế khác, bảo đảm cân bằng hệ sinh thái cho toàn vùng; liên hệ với các bộ, ngành trung ương tham gia ý kiến về phát triển thủy điện trên địa bàn; mời một số chuyên gia, nhà khoa học tham gia phản biện.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã quyết định thu hồi 4 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đó là: thủy điện A Vương 2, thủy điện A Re thuộc huyện Tây Giang vì 2 dự án này kém hiệu quả và không khả thi. Hai dự án khác bị chấm dứt nghiên cứu đầu tư Thủy điện Trà Leng 1, Trà Leng 2 thuộc huyện Nam Trà My. Lý do là chủ đầu tư vi phạm cam kết thời gian nghiên cứu lập báo cáo đầu tư dự án.

Bão lũ có một nguyên nhân trực tiếp là rừng đầu nguồn bị hủy hoại quá thảm khốc

Có thể coi đây là một phản hồi tích cực và có trách nhiệm của lãnh đạo ở một trong những địa phương mà các dự án thủy điện nhỏ phát triển nóng nhất khu vực. Nó cũng cho thấy, nếu người lãnh đạo cao nhất ở địa phương là Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh vào cuộc nhiệt tình, có thái độ dứt khoát, công khai thì tình hình sẽ có chuyển biến rất nhanh. Dĩ nhiên, quyết định thu hồi 4 dự án thủy điện ở tỉnh Quảng Nam đã làm thiệt hại đến lợi ích của chủ đầu tư, bởi không ít thì nhiều, họ đã phải tốn kém kinh phí, thời gian, tâm sức… để được phép triển khai dự án. Thu hồi 4 dự án này, tất nhiên chính quyền cũng phải vượt qua rất nhiều “vấn đề tế nhị”. Tuy vậy, lợi ích công cộng phải được đặt lên trên hết. Chấm dứt một vài dự án có thể gây lãng phí cục bộ nhưng lại đảm bảo lợi ích đại cục lâu dài.

Nhân đây cũng cần phải nói thêm, lũ lớn từ con bão số 11 vừa rồi ở miền Trung không phải là hệ quả trực tiếp của thủy điện. Một ví dụ là 3 huyện  của tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng vừa rồi là Sông Cầu, Đồng Xuân và Tuy An đều nằm ở phía Bắc - khu vực không có nhà máy thủy điện.  Đây cũng là vấn đề mà Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh và kỹ sư Đỗ Đức Quân, Vụ Phó Vụ  Năng lượng- Bộ Công Thương khẳng định trong chương trình Diễn đàn Khoa học Công nghệ, Hệ VOV1- Đài TNVN sáng 14/11/2009.

Tuy vậy, nếu cứ phát triển các công trình thủy điện một cách ồ ạt, phá vỡ qui hoạch chung như hiện nay, và nếu không có một qui trình quản lý điều tiết xả lũ một cách có hệ thống, không sớm thì muộn, các đập thủy điện sẽ trực tiếp gây hại đến môi trường và dân sinh, nhất là khi có mưa lũ lớn.  Điều không thể phủ nhận nữa là mỗi khi xây dựng một dự án thủy điện là rừng lại bị tàn phá. Một bình luận gần đây của Đài TNVN đã đưa thông tin: Mới chỉ triển khai 4 dự án thủy điện mà rừng ở Quảng Nam đã mất hơn 4.000 ha, chưa kể 6.000 ha rừng phải bị chặt bỏ để kéo đường dây điện. Nếu Quảng Nam triển khai hết 57 dự án thủy điện đã phê duyệt thì mọi chuyện sẽ không tưởng tượng được! Lũ dữ và bất thường liên tục diễn ra có một nguyên nhân trực tiếp là rừng đầu nguồn bị hủy hoại quá thảm khốc!

Hy vọng rằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không chỉ dừng lại ở đây. Việc thu hồi 4 dự án thủy điện vừa rồi cũng một phần là do chủ đầu tư tự thấy không hiệu quả, không khả thi  hoặc vi phạm thời gian triển khai dự án theo qui định. Nếu sau này, khi đã có đánh giá tổng thể qui hoạch thủy điện trên địa bàn, cũng mong lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ mạnh tay chấm dứt những dự án không phù hợp, ngay cả khi các dự án này đang trong quá trình xây dựng hay hoàn thiện.

Hy vọng rằng, lãnh đạo các tỉnh khác ở Miền Trung và Tây Nguyên cũng sẽ hành động quyết liệt như Quảng Nam trong công tác qui hoạch và phát triển thủy điện. Có lẽ đến lúc này, việc rà soát lại qui hoạch tổng thể, quá trình triển khai các dự án thủy điện không còn chỉ là việc cần làm ngay của một địa phương nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên