Học và làm theo Bác
Phong cách Hồ Chí Minh - phong cách nói đi đôi với làm đã thuyết phục, cảm hoá, động viên, cổ vũ cả triệu triệu người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm cổ vũ phong trào thi đua người tốt việc tốt. Người chú ý từng dòng tin về người tốt việc tốt trên báo chí. Khi biết ở địa phương, đơn vị có gương người tốt việc tốt, Người gửi thư khen ngợi, gửi tặng huy hiệu của Người để động viên khuyến khích. Một lời thư, một tấm huy hiệu, một món quà nhỏ của Người có giá trị tinh thần lớn lao. Từ nguồn động viên ấy, biết bao con người vượt lên số phận, vượt qua khó khăn thử thách, sống có ích với cộng đồng, sẵn sàng lao động quên mình, cống hiến hy sinh vì mục tiêu cao cả của dân tộc.
Có thời kỳ, sách về người tốt việc tốt được phát hành thường xuyên, liên tục. Những tấm gương bình dị toả sáng, những việc làm cao cả được ghi danh. Phong trào làm theo người tốt việc tốt cứ thế đua nở, như những làn gió mới làm mát lành các mối quan hệ xã hội, đẩy lùi những tiêu cực, nhỏ nhặt, tầm thường.
Có được hiệu ứng phong trào sâu rộng như thế là vì cả triệu người, già trẻ, gái trai, bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức… luôn noi theo gương vị Chủ tịch nước kính yêu. Vị lãnh tụ của dân tộc không chỉ khơi dậy phong trào thi đua yêu nước, tổ chức, động viên cổ vũ phong trào người tốt việc tốt, mà chính Người là tấm gương sáng trong, nói đi đôi với làm, bằng cả lời nói và hành động, có sức thuyết phục lớn lao, để toàn dân tộc soi chung. Nhân dân kính yêu, kính phục Bác và noi gương Bác.
Người kêu gọi nhân dân trồng cây, nhưng trước hết Người trồng cây. Người kêu gọi đồng bào tiết kiệm, nhưng trước hết Người tự thực hành tiết kiệm, với bữa cơm đạm bạc và những bộ quần áo giản dị, ghét thói xa hoa lãng phí… Người yêu cầu cán bộ không được theo thói "quan cách mạng", không hạch sách, phiền nhiễu dân, thì trước hết, Người thường xuyên đến với bộ đội, nông dân, công nhân, với đồng bào các dân tộc, với thói quen mang theo cơm nắm muối vừng, lắng nghe và thấu hiểu ý nguyện của người dân và sẵn sàng xử những cán bộ hư hỏng theo đúng quan điểm "luật pháp bất vị thân".
Phong cách Hồ Chí Minh - phong cách nói đi đôi với làm đã thuyết phục, cảm hoá, động viên, cổ vũ cả triệu triệu người. Mỗi người học theo Bác, noi gương Bác và làm theo Bác thấy mình tâm trong sáng hơn, trí minh mẫn hơn và ứng xử, hành động linh hoạt, hướng thiện hơn. Hàng chục năm qua, nhất là từ khi cả nước hưởng ứng phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh" xuất hiện hàng loạt những tấm gương bình dị, cao cả. Trong từng tấm gương tiêu biểu, mỗi người mỗi vẻ, đều lung linh hiển hiện từng khía cạnh đạo đức Hồ Chí Minh.
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh sẽ đi vào cuộc sống hàng ngày, trở thành tự thân, tự giác nếu như chúng ta chú ý làm tốt hai nội dung sau đây:
Một là, noi gương Bác, cán bộ các cấp các ngành, từ Trung ương đến địa phương phải gương mẫu học theo Bác và làm theo Bác một cách thực chất, không hình thức. Cán bộ có vị trí, trọng trách càng cao thì càng nghiêm túc trong học tập và làm theo Bác. Cần phê phán và bỏ thói nói nhiều làm ít, học theo mà không làm theo. Một khi cán bộ miệng nói học theo Bác, nhưng việc làm lại không có lợi cho dân cho nước, trái với đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh, thì nhân dân sẽ không tin, hiệu quả của phòng trào học và làm theo Bác sẽ không được như mong muốn.
Hai là, cần tăng cường công tác động viên, cổ vũ phong trào người tốt việc tốt, kịp thời biểu dương những tấm gương học tập và làm theo Bác. Cần duy trì xuất bản thường xuyên sách người tốt việc tốt, sách về tấm gương học tập và làm theo Bác. Mỗi ngành, mỗi địa phương phát hiện, giới thiệu thường xuyên những tấm gương điển hình, tập hợp thành những tập sách, giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng.
Dân tộc ta may mắn có được Lãnh tụ Hồ Chí Minh, với đạo đức, tư tưởng trong sáng, mẫu mực, là tấm gương lớn cho cả đất nước noi theo. Noi gương Bác, mỗi ngày càng có thêm nhiều người tốt, nhiều việc tốt. Một xã hội có nhiều người tốt, nhiều người làm việc tốt là một xã hội lành mạnh, tính bản thiện của con người được khơi dậy, cũng có nghĩa cái xấu, cái ác ngày một giảm đi./.