Hội chứng… đám đông

Thời buổi kinh tế thị trường, mánh lới làm ăn thiên hình vạn trạng, biến hóa khôn lường, cứ quen thói hành động theo đám đông, kết cục, lợi ít mà hại nhiều.  

Trong đời sống xã hội bây giờ đang hình thành một thứ hội chứng hành động theo phong trào, theo số đông, có nguy cơ trở thành thứ văn hóa rất... phi văn hóa. Thực tế, phàm những gì chạy theo phong trào, hành động theo kiểu “thấy kẻ ăn khoai cũng vác mai đi đào” thì cầm chắc may rủi, ăn thua, thua nhiều hơn thắng...

Thời bao cấp lan truyền câu chuyện vui, hẳn nhiều người chưa quên. Có một bác nông dân ở vùng quê xa, một hôm ra phố thấy người ta rồng rắn xếp hàng, chen chen lấn lấn, miệng liên tục “bán cho tôi một bánh... bán cho tôi một bánh...”. Thấy thế, bác nông dân cũng chen vào, quyết mua cho được. Sau một thôi một hồi toát mồ hôi hột, bác ta cũng mua được và sung sướng thưởng thức thứ mà mọi người gọi là bánh ấy. Ăn thứ bánh có mùi vị khác thường, vừa nhạt vừa đắng, chưa nhai đã sùi bọt, nhưng bác nông dân vẫn tự an ủi: Bánh này không ra gì nhưng đã mất công, mất tiền mua thì cố mà ăn cho hết... Bác nông dân không biết, đấy là bánh... xà phòng.

Câu chuyện vui của một thời làm ta liên tưởng đến hội chứng hành động theo phong trào, theo số đông, đang xuất hiện ngày càng nhiều, có nguy cơ trở thành thứ văn hóa rất... phi văn hóa. Có rất nhiều ví dụ có thể kể ra đây. Nhiều năm rồi, xuất hiện “phong trào” cha mẹ chạy đua, chấp nhận chung chi tiêu cực bỏ tiền bỏ công cho con được vào trường điểm, lớp chọn. Bố mẹ nào cũng nghĩ, tiền nào của nấy, con mình được vào những trường này đương nhiên sẽ thành siêu nhân, xuất chúng. Thực tế lại không phải thế. Không phải cứ trường điểm, tốn nhiều tiền là thành trò giỏi.

Người dân đổ xô đi mua, bán vàng trong tuần qua

Vài ba năm trước, thị trường chứng khoán vào thời nhộn nhịp, nhiều người bước vào nghề mới, có người sau vài đêm đã trở thành “tân đại gia”, bỗng chốc tiền tỷ trong tay. Thế là chơi chứng khoán hút mọi tầng lớp, nhà nhà chứng khoán, người người chứng khoán, ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán. Gặp đúng lúc chứng khoán tụt dốc, bao nhiêu người bỗng chốc trắng tay, trở thành con nợ, sản nghiệp tiêu tán, sự nghiệp tiêu tan. Cuối cùng, số đông thất bại là những người không hiểu về luật chơi, thấy dễ ăn thì làm theo, đâu biết rằng chứng khoán là nghề, phải hiểu nghề mới hành nghề...

Vài năm lại đây, lại có hội chứng theo đám đông lướt sóng nhà đất, lướt sóng đô la, vàng, làm cho giá cả những mặt hàng này biến động “không giống ai”. Cứ thấy đám đông đổ xô vào một lĩnh vực nào đó, mặt hàng nào đó “sốt” là mọi người hùa theo, không chịu phân tích xem đó là sốt thật hay sốt ảo, có hiện tượng làm giá hay không. Cứ thấy sốt là rồng rắn đi mua, rồi lại rồng rắn đi bán. Mua đắt bán rẻ. Thị trường hỗn loạn, xã hội bất an và nhiều hệ lụy tiêu cực khác.

Thời buổi kinh tế thị trường, mánh lới làm ăn thiên hình vạn trạng, biến hóa khôn lường, cứ quen thói hành động theo đám đông, kết cục, lợi ít mà hại nhiều. Trong giới kinh doanh, nhiều người làm ăn chân chính, lấy chữ tín làm đầu, nhưng cũng khối kẻ tinh ma, nghĩ ra lắm chiêu thu lợi. Dựa vào thuộc tính chạy theo số đông, theo phong trào, những người làm ăn bất chính tạo ra những cơn sốt ảo, hút đám đông vào đó để trục lợi.

Thực tế, phàm những gì chạy theo phong trào, hành động theo kiểu “thấy kẻ ăn khoai cũng vác mai đi đào” thì cầm chắc may rủi, ăn thua, thua nhiều hơn thắng. Hậu quả của hội chứng đám đông, hội chứng phong trào, rút cục, chẳng khác gì bác nông dân trong câu chuyện vui một thời, vì đã mất công xếp hàng và mất tiền, đành phải ăn cái thứ bánh tưởng là bánh mà lại không phải bánh.

Một khi tỉnh táo, ứng xử điềm tĩnh, khôn ngoan và chuyên nghiệp, thì chẳng thể vấp phải cái thứ hội chứng đám đông, hội chứng bầy đàn thiệt cho mình, thiệt cả cho xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên