Họp Nội các Việt – Thái lần II bàn biện pháp hợp tác mới

(VOV) -Cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần II tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/10 tới.

Thực hiện thoả thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Vương Quốc Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ đồng chủ trì Cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần 2 tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/10/2012.

Thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển tốt, điều này thể hiện qua việc của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chủ động đề xuất nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2011.

Năm 2011 là năm hai nước kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (6/8/1976 – 6/8/2011). Trong năm này, hai nước đã tổ chức trọng thể các hoạt động cho sự kiện này.

Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc các cấp. Thủ tướng hai nước đã có các cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 19 (Bali, Indonesia 17-19/11/2011); tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Bangkok (từ 30/5-1/6/2012).

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2011

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể Việt Nam cũng có nhiều chuyến thăm, làm việc tại Thái Lan như chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (6/2012); Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (2/2012); Lãnh đạo Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim tham dự Hội nghị Quốc tế về “Cân bằng Tăng trưởng Kinh tế và Ổn định xã hội châu Á và toàn cầu” tại Bangkok (3/2012).

Ngược lại Chủ tịch Hạ viện (10/2011), Thủ tướng Yingluck Shinawatra (11/2011); Chủ tịch Thượng viện (12/2011); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan ông Theera Wongsamut (3/2012) cũng đã sang thăm, làm việc tại nước ta.

Về hợp tác trên các lĩnh vực của hai nước như: An ninh quốc phòng, kinh tế thương mại đầu tư, lĩnh vực nông nghiệp… gần đây không ngừng phát triển.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kim ngạch thương mại Việt – Thái năm 2011 đạt xấp xỉ 8,17 tỷ USD trong năm 2011. 9 tháng đầu năm 2012 con số này xấp xỉ 6,16 tỷ USD. Việt Nam là bạn hàng nhập khẩu thứ 9 và đối tác xuất khẩu thứ 17 của Thái Lan.  

Tính đến hết tháng 9/2012, Thái Lan có 292 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6 tỷ USD, đứng thứ 10/96 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Cũng trong năm 2012, Thái Lan đã có 17 dự án cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới là 63,9 triệu USD; có 11 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 92,4 triệu USD.

Còn đối với Việt Nam đang có 7 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng vốn đầu tư 11,785 triệu USD, đứng thứ 27/55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ nhất Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại Việt Nam – Thái Lan được tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội, hai nước phấn đấu tăng kim ngạch trao đổi thương mại từ nay đến 2015 lên 20% mỗi năm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Thái Lan ký thoả thuận tăng cường hợp tác về thuỷ hải sản. Theo thoả thuận này, hai bên nhất trí hợp tác ngăn chặn và giải quyết tình trạng tàu cá hai nước vi phạm lãnh hải của nhau, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm về nuôi trồng, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh thuỷ sản, thúc đẩy thương mại thuỷ sản giữa hai nước.

Hai bên cũng nhất trí xúc tiến công tác chuẩn bị và đi tới ký kết Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) về công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh hàng hoá thuỷ sản, thúc đẩy đầu tư liên doanh, hợp tác trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, tăng cường hợp tác nghiên cứu, giáo dục đào tạo cán bộ kỹ thuật, quản lý trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, hai nước tiếp tục thực hiện thoả thuận ngày 15/5/2009 về hợp tác gạo, mở rộng hợp tác giữa 5 nước ACMECS; thiết lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời các vướng mắc….

Trong các lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam và Thái Lan đều tích cực tham gia xây dựng, ký kết và phê duyệt 3 Hiệp định Đa biên ASEAN về tự do hoá hoàn toàn vận tải hàng hoá, tự do hoá hoàn toàn vận tải hàng không cùng các Nghị định thư thực hiện.

Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục tập trung chủ yếu vào vấn đề cung cấp học bổng và hỗ trợ nhau trong việc dạy tiếng Thái và tiếng Việt ở mỗi nước.

Ngoài ra, hai nước còn hợp tác tổ chức Chương trình giao lưu thanh niên luân phiên tại Thái Lan và Việt Nam từ năm 2009 đến nay.

Đáng chú ý, ngày 8/6/2012, Việt Nam đã phê chuẩn Hiến chương AIT do Viện Công nghệ châu Á (AIT) của Thái Lan khởi xướng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam với Thái Lan cũng như các nước tham gia Hiến chương.

Hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia – an ninh – tình báo gần đây có những tiến triển tốt. Hai bên phối hợp tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Hai bên cam kết ngăn chặn bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào sử dụng lãnh thổ nước này hoạt động chống lại nước kia, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ mỗi nước trong giải quyết vấn đề ASEAN và Mekong.

Hợp tác quốc phòng hai bên tiếp tục được thúc đẩy trên cả khuôn khổ song phương và đa phương như: ADMM, ADMM+, ARF.

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan đến Việt Nam từ 25 – 27/9, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết MOU về hợp tác quốc phòng giữa Thái Lan và Việt Nam, tạo cơ sở thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực quân sự và đưa quan hệ quốc phòng hai bên đi vào chiều sâu.

Trước đó, tại cuộc họp Nhóm công tác chung Việt Nam – Thái Lan về hợp tác chính trị và an ninh lần 5 (8/2012), hai bên đã thông qua nội dung Văn kiện tầm nhìn an ninh Việt Nam – Thái Lan giai đoạn 2012 – 2016 và Chương trình Công tác thực hiện Tầm nhìn giai đoạn 2012 – 2013.

Về hợp tác trong tuyến hành lang Đông – Tây (EWEC), dù đã hình thành hơn 10 năm nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hành lang giao thông, việc trao đổi thông tin thương mại giữa các nước dọc hành lang còn nhiều hạn chế.

Hội nghị lần thứ nhất cấp Thứ trưởng Ngoại giao 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan về Hành lang Đông – Tây (5/2012) tại Đông Hà các nước bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Trong cuộc gặp bên lề WEF Đông Á (5/2012), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yingluck đều nhất trí rằng tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác.

Hiện tại Thái Lan có khoảng 100.000 Việt kiều đang sinh sống. Trong các chuyến thăm song phương vừa qua, lãnh đạo Thái Lan tiếp tục khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều và các tổ chức Hội Việt kiều phát triển, giúp đỡ để cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, hội nhập và thành lập, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và gắn bó với quê hương, đất nước.

Cuộc họp Tham khảo chính trị lần 2 giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam – Thái Lan được tổ chức ngày 24/8/2012, hai bên đã thảo luận về các nội dung hợp tác song phương, phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược và công tác chuẩn bị cho cuộc họp Nội các chung lần thứ 2 Việt Nam – Thái Lan vào 27/10/2012.

Đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nước hợp tác chặt chẽ trong ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng.

Về vấn đề biển Đông, trả lời phỏng vấn bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 67 tại New York (9/2012), Thủ tướng Thái Lan cho biết, với tư cách là một nước không có tranh chấp ở Biển Đông và có quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên liên quan, Thái Lan muốn giúp giải quyết tất cả những tranh chấp này

Thủ tướng Yingluck nhấn mạnh, Chính phủ Thái Lan sẽ nỗ lực hết mình để giúp tăng cường sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau giữa các bên có tranh chấp ở Biển Đông.

Theo bà Yingluck, những vùng lãnh hải như Biển Đông nên được xem là một khu vực của cơ hội hợp tác chứ không phải xung đột.

Về nguồn nước sông Mekong, tại cuộc họp cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 4 (tháng 4/2013), Thái Lan nhất trí cần có sự hợp tác giữa 4 nước Việt Nam – Lào – Campuchia – Thái Lan để bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông  này, cùng phối hợp nghiên cứu đánh giá tổng thể và khoa học các tác động đến môi trường khi xây dựng các công trình trên dòng chính sông Mekong.

Tại Hội nghị WEF Đông Á (30/5-1/6/2012), Thủ tướng Thái Lan đã có sáng kiến tổ chức họp cấp Ngoại trưởng các nước tiểu vùng Mekong để thảo luận, tháo gỡ khó khăn trong hợp tác trên dòng sông này.

Cuộc họp Nội các chung lần I Việt Nam – Thái Lan đã được tổ chức tại TP Đà Nẵng (Việt Nam) và Nakhon Phanom (Thái Lan) từ ngày 20-12/2/2004, hai bên đã cùng nhìn lại tình hình hợp tác trên mọi lĩnh vực và đưa ra những biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam – Thái Lan.

Về chính trị - an ninh, hai bên nhất trí hình thành lộ trình để thực hiện Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Thái Lan trong thập kỷ đầu thế kỷ 21; tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy dự thảo để đi đến ký kết Hiệp định dẫn độ, Hiệp định về chuyển giao tội phạm và hợp tác thi hành án và Hiệp định hỗ tương về các vấn đề hình sự; thiết lập Nhóm công tác chung về hợp tác chính trị và an ninh để điều hành sự hợp tác trong lĩnh vực này.

Về kinh tế, hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực thương mại, tăng cường hợp tác gạo, nhất trí đẩy mạnh đầu tư hai nước. Thái Lan đồng ý xem xét đề nghị của Việt Nam muốn Thái Lan tăng số dòng thuế ưu đãi cho Việt nam trong khuôn khổ hệ thống ưu đãi hội nhập ASEAN (AISP).

Về văn hoá – xã hội, hai bên nhất trí giao cho các cơ quan hữu quan hai bên soạn thảo Chương trình hành động về hợp tác văn hoá phù hợp với Hiệp định hợp tác văn hoá ký năm 1996; Gia tăng hợp tác trên lĩnh vực y tế cộng đồng, tiếp tục hợp tác trong việc chống lại các bệnh lây nhiễm như SARS, cúm gia cầm cũng như các bệnh HIV/AIDS.

Nhân cuộc họp này hai bên đã ký 10 văn kiện hợp tác (5 tại Đà Nẵng và 5 tại Nakhon Phanom), gồm 3 văn kiện về chính trị - an ninh, 4 văn kiện về kinh tế và 3 văn kiện về giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, trong đó nổi lên là Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Thái Lan trong thập kỷ đầu thế kỷ 21 và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế.

Cuộc họp Nội các chung Việt Nam – Thái Lan lần II sẽ đánh giá việc thực hiện những thoả thuận đạt được tại Cuộc họp Nội các chung lần I Việt Nam – Thái Lan (2004); trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm và các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên