Khái niệm "Triết lý giáo dục Việt Nam"

"Triết lý GD" của Đảng là phát triển con người toàn diện. Nhưng thực tế, giáo dục của ta còn thiên lệch, thiếu cân đối giữa các mặt

“Muốn thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và Chiến lược giáo dục - đào tạo 2011- 2020 phải có triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH” - phát biểu của GS.VS Phạm Minh Hạc tại Hội thảo khoa học Triết lý giáo dục Việt Nam, vừa tổ chức tại Hà Nội, đã đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm xung quanh khái niệm "Triết lý giáo dục Việt Nam".

Hội thảo nhằm trao đổi học thuật về khái niệm triết lý giáo dục (GD); các quan niệm về triết lý GD ở Việt Nam trong thời gian qua; đề xuất triết lý GD Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH, kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính vì thế, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rộng rãi, đóng góp ý kiến sâu sắc của các nhà khoa học, các nhà quản lý GD như: GS.TSKH Đào Trọng Thi, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; GS. Nguyễn Minh Thuyết…

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, muốn thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” và “Chiến lược GD-ĐT 2011- 2020” phải có triết lý giáo dục Việt Nam (GDVN). Triết lý GD là: ý nghĩa sâu xa đã được trải nghiệm; tư tưởng GD (cả đào tạo); lý luận chung về GD; Đường lối, chủ trương, chính sách phát triển GD; phương châm, nguyên lý chỉ đạo.

GS. Phan Trọng Luận, ĐHSP Hà Nội cho rằng: Cần làm rõ khái niệm "triết lý GD" trước khi bắt tay vào đổi mới quá trình GD. "Triết lý GD" của Đảng là phát triển con người toàn diện. Nhưng thực tế hiện nay giáo dục của chúng ta còn thiên lệch, thiếu cân đối giữa các mặt. GDVN phải đề cao năng lực sáng tạo, tư duy hiện đại và làm chủ công nghệ thông tin của người học.

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo nhân lực, nhân tài phục vụ đất nước

GS.TSKH Đào Trọng Thi nhấn mạnh một số quan điểm về GD trong thời kỳ này là: Các tư tưởng GD truyền thống cần được phát triển, nâng cao và bổ sung thêm những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu của nền GDVN trong thời kỳ đổi mới. Dân chủ và công bằng là những đặc trưng quan trọng của CNXH, bởi vậy cần phải được coi là những nguyên tắc chủ chốt của GDVN. GDVN là nền giáo dục nhân dân, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tạo môi trường trao đổi, thảo luận thẳng thắn, không mang tính áp đặt, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến sự quan tâm và lợi ích chung của xã hội, cộng đồng tập thể. Mục tiêu của GD là đào tạo nhân lực, nhân tài phục vụ phát triển đất nước; chương trình giáo dục phải toàn diện, chủ trương đào tạo kiến thức, kỹ năng và giáo dục phẩm chất đạo đức, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng tự học…

GS.TS Phạm Minh Thuyết nêu, để làm rõ khái niệm "triết lý GD" trước hết phải bàn đến sứ mệnh GD là gì? Quan điểm giáo dục của Đảng cần quan tâm là phát triển GD-ĐT là quốc sách hàng đầu - đây cũng chính là cơ sở để ngành GD dựa vào và phát triển đi lên. Phương châm phát triển GD trong thời kỳ đổi mới là Chuẩn hóa - Hiện đại hóa - Dân chủ hóa. Trong đó bao hàm nội dung, phương pháp và cả cơ sở vật chất của giáo dục.

GS.VS Phạm Minh Hạc khẳng định: Đường lối chung của Đảng về GD là rất tích cực, phù hợp nhưng điều kiện để thực hiện đường lối đó lại chưa tương ứng, nhiều nơi chưa coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. "Triết lý GD" phải được đặt ra cụ thể, phù hợp cho từng vùng miền. Từng trường, từng giáo viên, từng học sinh... đều phải có "triết lý GD". GD phải làm sao để các em tự hình thành giá trị của bản thân, bởi vì sức mạnh xã hội chính là tổng hợp sức mạnh của từng người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên