Khai thác khoáng sản - phải biết để dành cho thế hệ sau

VOV.VN -Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, sử dụng là hết vì thế khi dùng phải cân nhắc.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 10 loại khoáng sản cơ bản. Cụ thể, trong 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia có 6 khu vực dự trữ than năng lượng; 3 khu vực dự trữ quặng apatit; 1 khu vực dự trữ quặng chì - kẽm; 1 khu vực dự trữ quặng cromit; 23 khu vực dự trữ quặng titan; 3 khu vực dự trữ quặng bauxit; 4 khu vực dự trữ quặng sắt laterit; 4 khu vực dự trữ đá hoa trắng; 2 khu vực dự trữ cát trắng; 1 khu vực dự trữ quặng đất hiếm.  Có thể coi, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia như của để dành cho thế hệ sau. 

Khoáng sản là tài sản quốc gia, là tài sản chung của mọi công dân của nhiều thế hệ. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, sử dụng là hết vì thế dùng phải cân nhắc. Trên thế giới đã có nhiều kịch bản phát triển, nhưng có 2 kịch bản điển hình xin được viện dẫn.  Đó là có những quốc gia rất nghèo tài nguyên khoáng sản, và vì nghèo khoáng sản nên có chiến lược tập trung đầu tư  vào con người và đã rất thành công, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việc khai thác khoáng sản không khoa học sẽ làm khiến nguồn tài nguyên này dần bị cạn kiệt (ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)



Có những quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, chiến lược phát triển tập trung vào khai thác thế mạnh này.  Nhưng do sử dụng nguồn lực không hiệu quả, tài nguyên cạn kiệt và họ nhanh chóng rơi vào nhóm các nước kém phát triển. Việt Nam là quốc gia được đánh giá là giầu tài nguyên khoáng sản và chắc chắn không người Việt Nam nào muốn nước mình rơi vào kịch bản thứ 2, tức là khai thác không hiệu quả khoáng sản và tuột mất cơ hội phát triển.

Nước ta giàu tài nguyên với trên 100 chủng loại khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản chính phải kể đến các mỏ dầu khí phân bố tập trung ở vùng thềm lục địa phía Nam,  các mỏ than ở vùng Đông Bắc, mỏ bauxit ở vùng Nam Tây nguyên, các mỏ ti tan trải dải ven vùng duyên hải miền Trung.  Ngoài những khoáng sản kể trên, chúng ta có những mỏ quặng sắt; kim loại mầu như: thiếc, kẽm, đồng; đất hiếm, các khoáng chất phi kim loại có khả năng khai thác thương mại.

Khai thác tài nguyên để phát triển là lựa chọn tất yếu.  Ngoài than đá, dầu khí, bauxit khai thác quy mô lớn, tính đến nay cả nước có gần 3.500 mỏ nhỏ đang được khai thác. Với những mỏ quy mô nhỏ, do trình độ công nghệ thấp nên hầu hết các đơn vị khai thác mỏ sản xuất quặng thô có giá trị thấp; bỏ rất nhiều nguyên tố phụ có trong thành phần mỏ gây lãng phí tài nguyên.  Các ngành công nghiệp trong nước lại chưa phát triển để sử dụng nguồn quặng này như nguyên liệu để gia tăng giá trị cho quặng.

Theo một nghiên cứu của Viện Tư vấn Phát triển, thành viên Liên minh Khoáng sản Việt Nam, ngành khai khoáng nước ta còn “khoảng cách rất lớn” giữa văn bản pháp luật và thực tiễn. Kết quả từ nghiên cứu chỉ số quản trị tài nguyên tại 58 quốc gia trên thế giới, Việt Nam xếp hạng 43, đạt điểm số rất thấp nhất trong bảng xếp hạng. Ngành khai khoáng quy mô nhỏ, thiếu minh bạch, có nguy cơ tham nhũng ở tất cả mọi khâu. Hệ quả là môi trường ô nhiễm, người dân vùng mỏ nghèo đói, ngân sách thất thu.

Đối với 2 loại khoáng sản chính là than đá và dầu khí, chúng ta buộc phải khai thác và xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô bởi những đòi hỏi cấp bách về tích lũy vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước.  Nhưng đến thời điểm này, nếu các loại khoáng sản còn lại vẫn tiếp tục khai thác theo kiểu không tận dụng hết thành phần của quặng, tiếp tục xuất thô thì đó là sự lãng phí.  Trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với 10 loại khoáng sản cơ bản.

Khi có công nghệ khai khoáng tốt hơn chúng ta sẽ khai thác. Khi đó quặng được khai thác hiệu quả hơn, mọi nguyên tố có trong thành phần của quặng đều được tận dụng sẽ tạo ra giá trị lớn hơn.  Khi công nghệ chế biến quặng tốt hơn, chúng ta sẽ khai thác.  Lúc đó, chúng ta sẽ sản xuất quặng tinh; quặng sẽ được sử dụng như đầu vào của các ngành công nghiệp nội địa tạo ra sản phẩm để xuất khẩu sẽ tạo ra giá trị gia tăng.

Và khi đó, khoáng sản-tài sản quốc gia, tài sản chung của mọi người, của mọi thế hệ sẽ được quản lý tốt hơn, sử dụng hiệu quả hơn.  Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vừa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt có thể coi như một thứ của để dành cho thế hệ sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên