Khát vọng và thách thức

Thời khắc cuối cùng của năm 2009 đã khép lại. Việt Nam bước vào năm đầu tiên của thập kỷ mới trên cương vị Chủ tịch ASEAN với bao khát vọng và thách thức được gửi gắm trong Thông điệp 2010 của Thủ tướng Chính phủ 

Bằng giờ này năm ngoái, bầu không khí ảm đạm, u ám bao trùm cả thế giới. Với việc tuyên bố phá sản của ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ, toàn bộ hệ thống tài chính thế giới bị chao đảo bởi hiệu ứng domino, có lúc tưởng bị nhấn chìm trước sức tàn phá khủng khiếp của “cơn sóng thần tài chính”.

Nền kinh tế - tài chính thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng, suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái của thập niên 30 của thế kỷ trước. Cả thế giới cuống cuồng đối phó. Các gói kích cầu kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ USD được tung ra. Các chuyên gia đưa ra lời cảnh báo không mấy sáng sủa đối với Việt Nam. Nền kinh tế của chúng ta vốn có những yếu kém lại có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới thì tránh sao được tác động nghiêm trọng của khủng hoảng suy thoái toàn cầu, nhất là trên các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư du lịch.

Quý 1/2009, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tụt xuống chỉ còn 3,1%, chưa bằng một nửa mức tăng trưởng 6,8% của năm 2008. Các chuyên gia nhận định đó vẫn chưa phải là đáy của suy giảm. Cùng lúc đó thì lạm phát gia tăng, giá cả tăng vọt; nhiều công ty, doanh nghiệp tuyên bố phá sản, hợp nhất hoặc thu hẹp tối đa hoạt động; và lần đầu tiên chính quyền ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM phải công khai thông báo về tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng một cách đáng lo ngại. Những ai quan tâm chắc còn nhớ con số dự báo 45.000 người sẽ mất việc làm trên địa bàn do suy thoái và tác động của khủng hoảng toàn cầu mà UBND TP. Hà Nội đưa ra hồi trung tuần tháng 4/2009. Đã thế, dịch bệnh, thiên tai lại liên tiếp xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản khiến nền kinh tế nước ta đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Thế nhưng, điều tốt đẹp hơn cả sự mong đợi đã diễn ra. Trong làn gió lạnh buốt của “bão tài chính” thổi khắp toàn cầu, Việt Nam đã đứng vững và tăng trưởng. Sản xuất kinh doanh và thị trường trong nước đã ấm áp trong xu thế phục hồi ngày càng rõ nét. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 tăng 5,32% so với năm 2008, vượt 0,32 % so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong đó 18/25 chỉ tiêu của năm 2009 đạt và vượt kế hoạch, tỷ lệ lạm phát cả năm chưa tới 7%.

Khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nổ ra, các tổ chức quốc tế đều cho rằng năm 2009 nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp, lạm phát cao và thâm hụt ngân sách ở mức tương đối lớn. Nay kịch bản bi quan đó không xảy ra, thế giới lại một lần nữa hết lời khen Việt Nam đã phản ứng nhanh với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Việt Nam là một trong những nước sớm nhất vượt qua đáy suy giảm, duy trì được tăng trưởng dương trong suốt năm với tốc độ hợp lý.

Nếu châu Á nổi lên là một điểm sáng trong bức tranh u ám của kinh tế thế giới năm 2009 thì Việt Nam chính là nước đứng đầu về tăng trưởng trong khu vực ASEAN, đồng thời nằm trong nhóm trên 10 nước có tăng trưởng dương trong năm 2009.

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết (trung tuần tháng 12/2009), Thủ tướng Tây Ban Nha Zapaterro khẳng định: “Tây Ban Nha nhìn nhận Việt Nam như một cường quốc mới nổi lên”. Đánh giá Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN, có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển mạnh mẽ và năng động, có uy tín trên thế giới, ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN khẳng định: “ASEAN sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN”. Nếu Việt Nam chìm vào dòng xoáy khủng hoảng suy thoái, không gượng dậy được thì làm sao có được sự ngưỡng mộ và đánh giá cao như thế.

Thế giới bước vào năm 2010 với không ít lo âu. Bóng ma khủng hoảng suy thoái vẫn lẩn khuất đâu đó. Nền kinh tế thế giới đang biến động phức tạp, tiềm ẩn những bất an với nhiều rủi ro khó lường. Thiên tai và các tai họa mà trái đất phải gánh chịu cũng chẳng thể đoán định. Sự thất bại thảm hại của Hội nghị chống biến đổi khí hậu Copenhagen và việc các nhà lãnh đạo những nền kinh tế hàng đầu đang thải ra quá nửa lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, rốt cuộc không vượt qua được quyền lợi quốc gia đã phó mặc cho phần còn lại của thế giới hứng chịu cơn cuồng phong của trái đất. Rừng Amazon sẽ bị xóa sổ. Hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ phải gánh chịu tai họa do trái đất ấm lên, nước biển dâng cao mà Việt Nam sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sông Hồng khô cạn, nhiều dòng sông khác cũng khô cạn, ô nhiễm nhắc nhở chúng ta những khó khăn, bất ổn đang ở ngay trước mặt.

Chúng ta dự cảm được, ý thức được đầy đủ thách thức và cả những lời cảnh báo. Trước những nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn định chính trị - xã hội năm 2010 đối với châu Á,  Giám đốc Viện nghiên cứu tư vấn kiểm soát nguy cơ có trụ sở tại London Michael Denison cảnh báo: “Có vô số nguy cơ từ chính trị đến an ninh đang đổ dồn về châu Á” khi “nguyên nhân khủng hoảng tài chính đã được tìm hiểu kỹ nhưng hình bóng con đường phục hồi chưa rõ ràng”. Nhưng với chúng ta, con đường ra khỏi khủng hoảng, đứng vững và tiếp tục phát triển bền vững đã rõ ràng.

Bài học sâu sắc nhất được rút ra từ năm 2009 đầy khó khăn, thử thách và biến động; đó là phải chủ động trong công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới tác động đến sự phát triển của nền kinh tế, kịp thời đưa ra và chỉ đạo quyết liệt các giải pháp chính sách phù hợp sớm đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Cùng với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn về thu chi ngân sách, chúng ta đã đặc biệt coi trọng việc đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng sâu, vùng xa để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, ổn định trật tự xã hội, nhất là ở địa bàn nông thôn.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII diễn ra tại Thủ đô Hà Nội cuối năm 2009, những vấn đề nóng bỏng của kinh tế - xã hội đất nước đã được đặt lên bàn nghị sự. Từ việc đánh giá về mô hình tăng trưởng, chất lượng phát triển, chất lượng đầu tư; về cơ cấu lại nền kinh tế; hoạt động tài chính, ngân hàng; vấn đề thực hiện gói kích cầu; về công tác xóa đói giảm nghèo; cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng… đều được các đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích sâu sắc cả về những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm.

Từ sự đánh giá, phân tích thấu đáo tình hình trong nước, thế giới, Quốc hội đã chấp nhận xác quyết của Chính phủ về mục tiêu tổng quát của năm 2010, đó là: “Tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010”.

Hai lần đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và kết thúc nhiệm kỳ ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam bước vào năm đầu tiên của thập kỷ mới với cương vị Chủ tịch ASEAN. Vị thế và hình ảnh Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Một Việt Nam vinh quang niềm tự hào dân tộc, vượt qua sự tàn khốc hủy diệt của chiến tranh, đang dựng xây đất nước với khát vọng lớn lao đã thu hút sự yêu mến và tin cậy của bạn bè khắp nơi trên thế giới. ổn định chính trị, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cùng sự đồng thuận rất cao trong xã hội chính là tiền đề vô giá cho những khát vọng vượt qua mọi thách thức của chúng ta.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5% so với năm 2009 - Đó chính là chỉ tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của quyết tâm tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong năm 2010 - Một năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao, lịch sử, văn hóa trọng đại của đất nước ta./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên