Khen thưởng người tố cáo tham nhũng: Đừng khen chiếu lệ!
VOV.VN - Việc khen thưởng còn mang tính chiếu lệ, hình thức, gây bức xúc cho dư luận, nản lòng người tố cáo tham nhũng.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm, hưởng ứng trong những ngày qua là quy định khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Theo Dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng vừa được Thanh tra Chính phủ đưa ra, người tố cáo tham nhũng được tặng Huân chương Dũng cảm, được trích thưởng thêm 20% tài sản thu hồi trong vụ việc mình tố cáo, tiền thưởng không vượt quá 10 tỉ đồng.
Tuy rằng mục đích của người tố cáo tham nhũng không phải vì lợi ích vật chất, nhưng đây được coi là một nội dung quan trọng và là động cơ tích cực cho mọi công dân tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn, tội phạm tham nhũng-một căn bệnh nan y đang gây nhức nhối trong cơ thể xã hội.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội trao giấy khen cho 3 người dũng cảm tố cáo sai phạm tại BV Đa khoa Hoài Đức |
Cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương ông Đinh Đình Phú vì dũng cảm tố cáo những hành vi sai trái của tập thể Thị ủy, UBND thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng. Và chắc hẳn dư luận không thể quên hình ảnh và những giọt nước mắt của chị Hoàng Thị Nguyệt cùng 2 đồng nghiệp, trong buổi trao thưởng được tổ chức vào tháng 8/2013 vì đã dũng cảm tố cáo hành vi tiêu cực, tham nhũng ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức – Hà Nội.
Việc tôn vinh, trao thưởng cho những người dám đứng lên vạch rõ hành vi sai trái của các quan chức đang nắm quyền sinh quyền sát trong tay đã thể hiện thái độ kiên quyết của Đảng, Chính phủ trong công tác đấu tranh với tệ nạn, tội phạm tham nhũng đang gây nhiều hậu quả xấu trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nhưng đây mới gần như chỉ là hiện tượng, chỉ là những trường hợp hiếm hoi. Bởi loại tội phạm này phần lớn bị người dân vạch mặt, chỉ tên nhưng số vụ việc tham nhũng được phát hiện so với thực tế lại chưa tương xứng.
Có thực trạng ấy bởi nhiều nguyên do. Trong đó có sự trì trệ, bao che; có hiện tượng đồng tiền làm sai lệch hồ sơ, bản án của cơ quan bảo vệ pháp luật; có sự khó khăn, vướng mắc của người dân khi thu thập chứng cứ; có sự trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng; có sự chấp nhận của một bộ phận người dân tạo điều kiện cho tham nhũng; có việc người dân chưa được quan tâm, động viên đúng mức bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Vấn đề khen thưởng người tố cáo tham nhũng không phải bây giờ mới được đặt ra bằng “Dự thảo Thông tư”. Năm 2011, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã có Thông tư liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng với hình thức khen thưởng cụ thể, mức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua-Khen thưởng, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Một số Bộ, ngành hoặc các địa phương cũng đã có Quy chế khen thưởng những cá nhân khi tố cáo tham nhũng. Nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa được vinh danh; vẫn còn có việc khen thưởng mang tính chiếu lệ, hình thức, gây bức xúc cho dư luận, làm nản lòng những người tố cáo tham nhũng. Việc quyết định thưởng mỗi người 320.000 đồng cho chị Hoàng Thị Nguyệt cùng 2 đồng nghiệp trong câu chuyện “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội có thể coi là một ví dụ điển hình.
Khi đã dám đứng lên đấu tranh với cái xấu, hành vi gây hại cho xã hội, cho cộng đồng, chắc chắn những con người dũng cảm không vì mục đích được vinh danh, không vì mong sẽ được thưởng một khoản tiền nào đó. Nhưng mức tiền thưởng có thể coi là “tượng trưng” lộ rõ những bất cập cần thay đổi của chính sách khen thưởng và bảo vệ người chống tham nhũng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng với những quy định cụ thể, với việc bảo vệ tối đa cho người tố cáo tham nhũng có thể coi là đã khắc phục được những bất cập ấy. Nó không nhằm để chứng minh “có tiền thưởng mới chống được tham nhũng”, nhưng rõ ràng những người dám đương đầu, dám đấu tranh với “thói hư, tật xấu” của các quan tham, những người chấp nhận hy sinh quyền lợi của bản thân, góp phần mang lại niềm tin của người dân vào công lý, mang lại sự công bằng cho xã hội thì việc họ được vinh danh, được khen thưởng là hoàn toàn xứng đáng và rất đáng trân trọng.
Tham nhũng là một tác nhân gây nên nhiều bất ổn cho xã hội. Bởi thế khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên để nó thực sự khả thi, không chỉ hoàn thiện hành lang pháp lý bằng việc đưa ra quy định. Vấn đề cốt lõi là cơ chế thực hiện, tư duy thực thi chính sách trong thực tiễn./.