Khi lãnh đạo địa phương “sĩ diện”
Có phải lãnh đạo cảm thấy “bẽ mặt” sau khi báo chí phản ánh việc mấy thầy trò phải vay mượn tiền để mua vé tàu đi nhận giải thưởng?
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện một thầy giáo ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị kiểm điểm, phải viết tường trình sau chuyến ra Hà Nội nhận giải thưởng trong cuộc thi quốc gia về môi trường hồi tháng 6 vừa rồi. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu, lãnh đạo địa phương không cảm thấy “bẽ mặt”, sau khi báo chí phản ánh việc mấy thầy trò phải vay mượn tiền để mua vé tàu đi nhận giải.
Có thể nói, việc thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng liên tục 8 năm hướng dẫn học trò thực hiện 19 đề tài đoạt giải thưởng về môi trường, trong điều kiện hết sức khó khăn ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long là câu chuyện khiến ai cũng thán phục.
Đảng và Nhà nước ta xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, luôn khuyến khích các hoạt động khuyến học khuyến tài, kiên trì mục tiêu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước. Lãnh đạo các địa phương, mà cụ thể là huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chắc cũng không quên nhắc đến điều này mỗi khi có dịp đứng trước các thầy cô giáo và học sinh.
Một điều chắc chắn rằng, những công trình nghiên cứu sáng tạo của thầy Hải và nhóm học trò mấy năm qua, đặc biệt là 2 giải thưởng trong cuộc thi quốc gia về môi trường lần này gồm: “Lọc nước bằng than vỏ gòn” và “Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc đa năng”, đề tài được các nhà khoa học đánh giá cao vì khả năng ứng dụng vào thực tiễn, giúp người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long cải thiện nguồn nước ô nhiễm, phục vụ cho mô hình “Vườn - Ao - Chuồng - Biogas” khép kín cũng là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong các báo cáo sơ kết, tổng kết của nhiều ngành: từ Giáo dục và đào tạo, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đến Công đoàn, Đoàn Thanh niên, kể cả báo cáo của các tổ chức Đảng và chính quyền… ở những nơi đang quản lý và lãnh đạo thầy Hải cùng các học sinh.
Đó cũng sẽ là thành tích đáng tự hào của nhiều cấp từ cơ sở như trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn, địa phương nơi thầy giáo Hải và các học sinh của mình đang sống đến cấp huyện, cấp tỉnh… Đặc biệt, là trong lúc cả thế giới đang nóng lên với nỗi lo về “môi trường” ô nhiễm hiện nay.
Chả lẽ một việc làm như thế lại không đáng để lãnh đạo địa phương hãnh diện?
Một sáng kiến khoa học giàu tính thực tiễn, được đánh giá cao, mang lại tiếng thơm cho ngành giáo dục và chính quyền địa phương, nhưng tác giả của nó lại chẳng có đủ tiền mua vé tàu về thủ đô nhận giải, phải đi vay mượn bạn bè làm lộ phí, phải ở nhờ nhà một cán bộ quân đội về hưu để tiết kiệm tiền khách sạn… đã trở thành câu chuyện đàm tiếu khiến lãnh đạo huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bực mình.
Và để thỏa sự bực mình ấy, ông Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kế Sách đã ra một công văn “đề nghị trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn kiểm điểm thầy Nguyễn Ngọc Hải, vì sao lại để báo chí phản ánh các cấp lãnh đạo của tỉnh Sóc Trăng thiếu quan tâm, chăm lo kinh phí, để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài”.
Cho dù lãnh đạo Huyện ủy Kế Sách có biện minh rằng, làm tường trình là “để huyện rõ, nếu tỉnh hỏi thì có cái mà báo cáo” nhưng việc tổ chức cuộc họp chi bộ của trường An Lạc Thôn có sự tham dự của Ban Tổ chức huyện ủy, UBND huyện Kế Sách, Lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo Sóc Trăng để nghe một thầy giáo trình bày chuyện thiếu tiền mua vé tàu đi nhận giải ở Hà Nội đã tạo cho người trong cuộc cảm giác như mình vừa làm gì đó có lỗi. Còn dư luận thì lại nghĩ rằng, Huyện ủy Kế Sách đang “dằn mặt” người đã thật thà nói lên hoàn cảnh của thầy trò mình, làm “mất mặt” lãnh đạo địa phương.
Không bàn chuyện thiếu đủ, ít nhiều về mặt vật chất cho một chuyến đi để học trò mình được giao lưu học hỏi - như lời thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải tâm sự. Nếu có ở đây, chỉ là thiếu cái tâm, cái tầm mà lại thừa sự sĩ diện của những người lãnh đạo. Lẽ ra phải nghiêm túc rút kinh nghiệm khi chưa sâu sát trong việc hỗ trợ những người đam mê nghiên cứu khoa học để kích thích sự sáng tạo của họ nhằm mang lại lợi ích cho cuộc sống, cho cộng đồng thì huyện Kế Sách lại chỉ lo làm cho ra nhẽ: Vì sao thầy Hải để báo chí phản ánh lãnh đạo tỉnh không quan tâm đến nhân tài?
Không biết, với cách hành xử này, Huyện ủy Kế Sách và tỉnh Sóc Trăng sẽ giúp gì cho thầy Hải và các nhà khoa học trẻ trên con đường sáng tạo của mình trong tương lai?./.